Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 18/CT-TTg về tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách. Trong chỉ thị này, ngoài việc yêu cầu công bố các địa điểm du lịch đạt chuẩn, chính quyền các địa phương còn phải “bêu tên” những điểm đen du lịch và khuyến cáo du khách không nên đến. Liệu các địa phương có dám “vạch áo cho người xem lưng”?
Chấn chỉnh thay vì “điểm mặt”
Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 17-9 về việc này, ông Hồ Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh Quảng Nam, cho biết ngành du lịch của tỉnh luôn thực hiện nghiêm các quy định nhằm bảo vệ quyền lợi cho du khách; hạn chế nạn chèo kéo, “chặt chém”. Tại các điểm du lịch lớn của tỉnh như Hội An, Mỹ Sơn, Phú Ninh… đều quy định các điểm cung cấp dịch vụ niêm yết giá. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh thỉnh thoảng xuất hiện một số vi phạm tại các điểm nhỏ lẻ như nhà hàng, khách sạn chặt chém khách.
Trong khi đó, TP Hà Nội chọn cách làm khác. Theo ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Hà Nội, Hà Nội vừa ra mắt bộ phận hỗ trợ khách du lịch nhằm giải quyết nhanh nhất những khiếu nại, tố cáo của du khách và cung cấp thông tin về các danh thắng thủ đô. “Không ít vụ “chặt chém” du khách đã được báo tới đường dây nóng. Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan chức năng như Công an TP Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải, Hiệp hội Taxi Hà Nội xử lý nghiêm” - ông Động khẳng định.
Không chờ đến khi tiếp nhận Chỉ thị 18/CT-TTg, tại cuộc họp với Sở VH-TT-DL mới đây, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, khẳng định tình hình trật tự, mỹ quan đô thị, môi trường văn hóa du lịch ở tỉnh này còn nhiều vấn đề như nạn chèo kéo du khách, nâng ép giá tại một số khu, điểm du lịch đã tác động xấu đến hình ảnh du lịch Huế. Vì vậy, ông Cao yêu cầu các cơ quan chức năng khẩn trương chấn chỉnh tình trạng này. Tại các địa điểm du lịch trước Đại nội Huế như cửa Hiển Nhơn, cửa Ngăn, đường Đoàn Thị Điểm…, ông Cao yêu cầu Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế có phương án bảo vệ, hướng dẫn du khách an toàn; tăng cường kiểm tra, xử lý niêm yết công khai giá dịch vụ tại các điểm tham quan.
Nơi làm, nơi hứa
Một địa phương khác có thế mạnh về du lịch là TP Đà Nẵng cũng đã chủ động xóa điểm đen du lịch từ lâu. Chiều 17-9, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, khẳng định Đà Nẵng đã triển khai thực hiện những nội dung trùng hợp với chỉ đạo của Chỉ thị 18/CT-TTg từ nhiều năm qua. Chẳng hạn như xét chọn để công nhận những địa điểm đạt chuẩn du lịch, đồng thời cũng thông báo rộng rãi trên các cơ quan thông tin đại chúng những đơn vị vi phạm quy định về du lịch như tình trạng “chặt chém”, tăng giá phòng trong các dịp lễ, đặc biệt là cuộc thi Pháo hoa Quốc tế Đà Nẵng, để du khách biết mà tránh. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng là địa phương đi đầu trong cả nước về việc thành lập trung tâm hỗ trợ du khách với số điện thoại đường dây nóng 0511- 3550111 để du khách kịp thời phản ánh hoặc cần trợ giúp... Đặc biệt, trung tâm này còn phối hợp với lực lượng chức năng các quận - huyện, các lực lượng an ninh ở sân bay nên việc triển khai rất hiệu quả.
An Giang là tỉnh thu hút nhiều du khách ở ĐBSCL. Trong đó, các khu du lịch tâm linh như Núi Cấm và Núi Sam luôn đón hàng triệu lượt khách đến tham quan, cúng bái mỗi năm. Tuy nhiên, tình trạng đeo bám, chèo kéo, lừa gạt khách... vẫn diễn ra nhiều năm qua, nhất là ở điểm du lịch miếu bà Chúa Xứ, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An và chùa Phước Điền (chùa Hang) thuộc khu du lịch Núi Sam, TP Châu Đốc. Ông Nguyễn Văn Lữ, Phó Trưởng Phòng Văn hóa - Xã hội, UBND tỉnh An Giang, cho hay địa phương vừa tiếp nhận Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và đã giao trách nhiệm cho Sở VH-TT-DL lên kế hoạch rà soát lại các điểm, khu du lịch trên địa bàn tỉnh theo các nội dung trong chỉ thị đã nêu. Đồng thời, sẽ công bố các điểm du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo các điểm du lịch không nên đến cho du khách biết…
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch: Chờ nỗ lực từ các địa phương Chúng tôi kỳ vọng sau Chỉ thị 18/CT-TTg, vấn đề an ninh an toàn cho khách du lịch sẽ được giải quyết. Thực tế, trong những nguyên nhân gây nên tình trạng giảm sút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam thời gian qua là do hiện tượng lừa đảo, gian lận, ép giá, chèo kéo, đeo bám, xâm hại tài sản, tính mạng khách du lịch chưa được kiểm soát và có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm... Những hiện tượng tiêu cực này đang tác động xấu đến hình ảnh và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Du lịch là hoạt động mang tính chất liên ngành. Chúng tôi đang chờ đợi sự thay đổi từ các địa phương, sự phối hợp chặt chẽ, chung tay vào cuộc giữa các bộ, ngành chứ không phải chỉ riêng phía Bộ VH-TT-DL.
Y.Anh ghi |
Bình luận (0)