xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bi hài chuyện lập vi bằng

Huy Đặng - Trường Hoàng

Có trường hợp vợ chồng đề nghị thừa phát lại lập vi bằng với nội dung nếu ai có bồ thì sẽ không được chia tài sản

Vi bằng được xem là thế mạnh của thừa phát lại, thể hiện ở vai trò, vị thế của thừa phát lại trong việc lập vi bằng. Hiện nay, có thể nói không có hệ thống cơ quan nào ngoài thừa phát lại giúp người dân xác lập chứng cứ theo yêu cầu, chưa kể việc xác lập chứng cứ sẽ được thực hiện với thủ tục giản đơn và không hạn chế thời gian.

Giải quyết nhiều rắc rối

Tại TP HCM, tính đến tháng 10-2014, các văn phòng thừa phát lại đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp 22.940 vi bằng. Có vi bằng ghi nhận việc thực hiện các giao dịch, thỏa thuận, mô tả hiện trạng nhà, lời khai của người làm chứng hoặc hành vi, thời điểm mua bán nhưng cũng có những vi bằng ghi nhận cuộc họp của một doanh nghiệp hoặc một sự kiện trên internet… dùng làm chứng cứ.

Điển hình của việc lập vi bằng có tác dụng thiết thực và gây tiếng vang lớn trong dư luận cả trong và ngoài nước có thể kể đến trường hợp Văn phòng Thừa phát lại quận 1 lập vi bằng liên quan đến việc đòi lại thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc, Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh lập vi bằng trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp liên quan đến khối di sản 1.000 tỉ đồng của bà Thạch Kim Phát…

Việc lập vi bằng đã giúp người dân và cả cơ quan nhà nước giải quyết nhiều rắc rối nhưng cũng ghi nhận lắm tình huống bi hài.

Ở Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân, một khách hàng nam đến than thở có thể bị buộc thôi việc vì công ty nơi ông làm ban hành quyết định xử lý kỷ luật không đúng quy định, xử ép và ông có bằng chứng về việc này. Khó khăn cho ông ở chỗ chứng cứ chỉ là các thư điện tử trao đổi qua lại giữa ông với công ty nằm trong email do công ty quản lý, việc công ty thu hồi và hủy nội dung email là rất dễ xảy ra và sẽ làm mất chứng cứ. Vì thế, để bảo đảm quyền lợi sau này, ông nhờ lập vi bằng ghi lại các nội dung trong email để làm bằng chứng. Các thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Tân đã rất vui khi công việc của họ giúp được ông này yên tâm.

Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP HCM đo đạc để làm thủ tục lập vi bằng (ảnh lớn) và một phần nội dung phân chia tài sản do một cặp vợ chồng yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại quận 8 lập vi bằng ghi nhận Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG
Thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại quận Bình Thạnh, TP HCM đo đạc để làm thủ tục lập vi bằng (ảnh lớn) và một phần nội dung phân chia tài sản do một cặp vợ chồng yêu cầu Văn phòng Thừa phát lại quận 8 lập vi bằng ghi nhận Ảnh: TRƯỜNG HOÀNG

Các thừa phát lại của Văn phòng Thừa phát lại quận 10 nhớ mãi chuyện chủ một khách sạn giao cho người quản lý khách sạn thay mình duy trì hoạt động trong thời gian vắng mặt. Do có những phát sinh trong quá trình ủy quyền nhưng nhiều lần yêu cầu mà người quản lý vẫn không có mặt để giải quyết, chủ khách sạn đã nhờ thừa phát lại đến giúp lập vi bằng ghi nhận việc kiểm kê tài sản khách sạn. Để kiểm kê, chủ khách sạn yêu cầu người quản lý tạm ngưng nhận khách, để phòng trống nhưng khi thừa phát lại đến vẫn có đôi nam nữ đang thuê phòng để mặn nồng với nhau. Đôi nam nữ tá hỏa khi thấy trước mắt là cả đoàn người còn thừa phát lại cũng ngượng chín người. Khi đôi bên thông cảm được với nhau, đôi nam nữ vui vẻ ra ngoài cho thừa phát lại đo đạc, chụp ảnh, quay phim, ghi chép để lập vi bằng.

Khỏi lo léng phéng

Theo bà Vũ Thị Trường Hạnh, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại quận 8, việc lập vi bằng là muôn hình vạn trạng. Có khi đơn giản chỉ là ghi nhận biên bản họp giải quyết các rắc rối trong gia đình; có trường hợp con xin tiền, cha mẹ đã cho nhiều lần nhưng vẫn cứ xin tiếp nên cha mẹ lập vi bằng để đưa ra điều kiện nếu xin tiền nữa sẽ không được thừa kế tài sản. Có trường hợp hai vợ chồng đề nghị thừa phát lại lập vi bằng với nội dung nếu một trong hai bên có bồ nhí thì sẽ không được chia tài sản.

Mới đây, một đôi vợ chồng kết hôn vào năm 2010 tại quận 5, có 2 con, đến Văn phòng Thừa phát lại quận 8 yêu cầu lập vi bằng với các nội dung hai bên thống nhất tất cả tài sản tạo lập trước hoặc sau thời kỳ hôn nhân đều được xem là tài sản chung và sẽ chia làm 3 phần: 2 con được hưởng 30% còn vợ và chồng mỗi người 35% trên tổng giá trị. Hai bên cùng cam kết: Nếu có bằng chứng chứng minh một trong hai bên ngoại tình hoặc tự tạo lập tài sản giá trị trên 100 triệu đồng mà không có sự đồng ý của bên kia thì bên vi phạm phải tự nguyện chỉ nhận 20% tổng giá trị tài sản sau khi đã trừ đi 30% của con; từ chối quyền nuôi con và quyền quản lý đối với tất cả tài sản của con; bên còn lại được quyền quản lý tài sản của con, nuôi con (kể cả việc quyết định trong các trường hợp cho con đi nước ngoài và các vấn đề liên quan sức khỏe, hôn nhân…).

Được Văn phòng Thừa phát lại quận 8 lập vi bằng, cả vợ lẫn chồng đều vui vẻ cho biết thế là từ nay yên tâm không phải lo ai léng phéng rồi mang tài sản gia đình đi lo cho “phòng nhì”.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-12

Kỳ tới: Còn nhiều nỗi lo

Dùng làm chứng cứ trong xét xử

Khoản 2 điều 2 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP HCM quy định: “Vi bằng là văn bản do thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác”. Điều 7 Thông tư liên tịch số 09/2014 của Bộ Tư pháp - TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tài chính ban hành ngày 28-2-2014 quy định: “Vi bằng do thừa phát lại lập là nguồn chứng cứ để tòa án xem xét khi giải quyết vụ án và là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp theo quy định của pháp luật”.

Cụ thể, vi bằng là tài liệu bằng văn bản có hình ảnh, video, âm thanh kèm theo (nếu cần thiết). Trong đó, thừa phát lại mô tả, ghi nhận hành vi, sự kiện lập vi bằng mà đích thân thừa phát lại chứng kiến một cách trung thực, khách quan. Tài liệu này có giá trị chứng cứ trước tòa án nếu các bên có phát sinh tranh chấp liên quan đến sự kiện, hành vi lập vi bằng. Vi bằng đó phải được đăng ký tại sở tư pháp trong vòng 3 ngày kể từ ngày lập. Hiện có 2 loại vi bằng cơ bản mà các văn phòng thừa phát lại lập, gồm: vi bằng ghi nhận sự kiện, hành vi; vi bằng ghi nhận hiện trạng.                      H.Đặng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo