Liên tiếp các vụ trao nhầm con ở 2 tỉnh Long An và Bình Phước được phát hiện mà nạn nhân đều là những đứa trẻ mới lên 3 khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc “tráo đổi” chúng về với cha mẹ ruột.
Đối với 2 gia đình ở tỉnh Long An, mặc dù đang thương thảo bồi thường tổn thất tinh thần và các chi phí khác để sớm làm thủ tục trao trả lại 2 trẻ cho cha mẹ ruột nhưng không ít người cho rằng sự việc sẽ tác động mạnh đến tâm lý của trẻ. Theo ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, một đứa trẻ 3 tuổi thường chỉ nghĩ rằng người đang nuôi dưỡng là cha mẹ mình chứ không cần biết đến chuyện huyết thống.
Vì thế, khi thay đổi cuộc sống của một con người, nhất là một đứa trẻ, thì nguy cơ khủng hoảng tâm lý, sang chấn tinh thần sẽ rất lớn, thậm chí bản thân “khổ chủ” sẽ không chấp nhận hoặc tìm cách chống đối. Về mặt pháp lý, việc thay tên đổi họ của một đứa trẻ bị trao nhầm sẽ vô cùng đơn giản. Song đứa trẻ đó có hiểu và chấp nhận chuyện này hay không? “Trong sự việc này, sử dụng mệnh lệnh hành chính có thể sẽ không mang lại kết quả như mong muốn mà cần giải quyết bằng tình cảm. Có thể thời gian đầu, 2 gia đình sẽ thường xuyên qua lại để có sự gắn bó giữa 2 đứa trẻ. Khi đứa trẻ lớn hơn, cha mẹ 2 bên sẽ giải thích cho con hiểu và dần chấp nhận để tránh nguy cơ khủng hoảng tâm lý” - ông Quang phân tích.
GS-TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho rằng khát vọng đoàn tụ của các bậc cha mẹ hay của đứa con bị trao nhầm là có thật. Thế nhưng, đây cũng là vấn đề rất tế nhị. Việc khởi kiện để đòi con có thể sẽ gây tổn thương tâm lý cho trẻ. Về phía bệnh viện, dù không mong muốn nhưng rõ ràng đây là sai sót trong quy trình chuyên môn nên mới dẫn đến sự việc như vậy. Cũng theo ông Tiến, sau những sự cố trao nhầm con được phát hiện, Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế rà soát lại quy trình và có những phương tiện, cách làm chặt chẽ để hạn chế thấp nhất nguy cơ này. “Với những bệnh viện lớn, mỗi ngày có hàng trăm đứa trẻ chào đời nên sử dụng các loại vòng đeo đánh số cặp hoặc buộc vào tay mẹ và bé; còn ở tuyến dưới, nhiều nơi chủ quan nên đã xảy ra những sự việc như trên” - ông Tiến nói.
Nhìn nhận câu chuyện nuôi nhầm con là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, nhiều chuyên gia tâm lý cho rằng việc nhận lại con hay không là do tình cảm, không nên cậy nhờ cơ quan pháp luật mà để các gia đình tự thương lượng. Với những người trưởng thành, khi phát hiện mình không phải huyết thống trong gia đình hiện tại, hay mình thuộc về một gia đình khác thì cuộc sống sẽ bị xáo trộn khiến họ không sẵn sàng hay chưa sẵn sàng chấp nhận. Tương tự, một số chuyên gia tâm lý cho biết lúc đầu, có những bậc cha mẹ đã từ chối nhận lại con ruột vì chính họ cũng bị sốc.
Cần thỏa thuận hợp tình
Bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ di truyền Hà Nội, cho biết trong 12 năm làm nghề xét nghiệm ADN, bà đã gặp khoảng 10 ca bệnh viện trao nhầm con. Đối với gia đình có con đã lớn, họ thường tôn trọng quyết định của đứa trẻ. Còn đối với gia đình có con nhỏ thì dễ “trao đổi” hơn, sau đó hai bên kết thân với nhau. “Sẽ tốt hơn nếu 2 gia đình có thể tìm được một sự thỏa thuận hợp tình, trong đó việc bảo vệ những đứa trẻ khỏi các tổn thương, sang chấn tâm lý là quan trọng nhất” - bà Nga nói.
Bình luận (0)