xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Biệt động - lực lượng bất tử

An Quý

Dù bị tổn thất về quân số song với những chiến công vang dội, Biệt động Sài Gòn đã góp phần lớn làm thay đổi cục diện trận chiến, khiến Mỹ phải ngồi vào hòa đàm Paris, tạo nên bước ngoặt quan trọng dẫn tới chiến dịch mùa Xuân 1975 toàn thắng

Từ mùa thu 1964, Trung ương Cục miền Nam vạch ra kế hoạch Tổng công kích và Tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định mang mật danh “Kế hoạch X”. Một trong những nhiệm vụ của Quân khu Sài Gòn - Gia Định để thực hiện kế hoạch nêu trên là xây dựng một lực lượng biệt động mạnh nhằm bất ngờ tập kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não cấp trung ương của ngụy ở Sài Gòn và vùng ngoại ô khi có thời cơ.

Lực lượng tinh nhuệ, chiến lược

Lực lượng biệt động được thành lập vào năm 1965, lấy tên là Đoàn Biệt động Quân khu Sài Gòn - Gia Định (phiên hiệu F100) do ông Nguyễn Đức Hùng (các bí danh: Ba Tam, Tư Chu) làm chỉ huy trưởng; có nhiệm vụ thường xuyên tổ chức các trận đánh tiêu diệt sinh lực quan trọng trong cơ quan đầu não chiến tranh của Mỹ - ngụy; trực tiếp và bí mật chuẩn bị các điều kiện bảo đảm để cùng lúc tập kích chiếm lĩnh các cơ quan đầu não cấp trung ương của Mỹ - ngụy tại Sài Gòn và vùng ven… Từ năm 1965-1967, F100 đã đánh hàng trăm trận, hiệu suất chiến đấu cao, như đánh vào nhà hàng Mỹ Cảnh; các bót Bà Hỏa, Hàng Keo, Ngô Quyền, Thị Nghè…; các doanh trại và cư xá của Mỹ trên các đường Võ Duy Nghi, Trương Minh Giảng, Yên Đổ, Nguyễn Văn Thoại…

Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đội 4 - Biệt động Sài Gòn trong trận đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân (1968)Ảnh: PHẠM DŨNG
Tượng đài tưởng niệm các chiến sĩ đội 4 - Biệt động Sài Gòn trong trận đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn dịp Tết Mậu Thân (1968)Ảnh: PHẠM DŨNG

Sau chiến dịch Junction City bị thất bại bởi các cuộc phản công chiến lược trong hai mùa khô năm 1965-1966 của bên ta, Mỹ bắt đầu có dấu hiệu dao động về chiến lược tiến hành chiến tranh tại miền Nam Việt Nam. Diễn biến chiến trường có lợi cho ta. Hội nghị lần thứ 12 và 13 của Trung ương chỉ rõ: “… Tình hình ấy có thể cho phép ta chuyển cuộc chiến tranh sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi nhất định”.

Tháng 10-1967, Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết tổ chức lại chiến trường, theo đó giải tán Quân khu 7 và Quân khu Sài Gòn - Gia Định, thành lập 6 phân khu, trong đó Phân khu 6 chỉ huy Biệt động thành hợp cùng lực lượng vũ trang thành 3 cụm, gồm: 6-7-9, 3-4-5, 1-2-8, được giao nhiệm vụ tập kích, đánh chiếm và giữ mục tiêu chờ lực lượng thanh niên, sinh viên đến tiếp ứng để tăng cường sức đề kháng tại chỗ; bảo đảm giữ được 1 giờ, tạo điều kiện cho các tiểu đoàn mũi nhọn chiếm giữ 9 mục tiêu trọng yếu: Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát ngụy, sân bay Tân Sơn Nhất, Khám Chí Hòa, Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy, Đại sứ quán Mỹ.

Những trận chiến không cân sức

Biệt động Sài Gòn đã viết nên những trang sử oai hùng bằng những trận đánh chiến lược đợt 1 Tết Mậu Thân; thời điểm phát động tấn công đồng loạt là 2 giờ mùng 2 Tết. Đội 4 biệt động gồm 13 chiến sĩ nhận lệnh đánh vào Đài Phát thanh Sài Gòn. 1 giờ 59 phút, cửa chính Đài Phát thanh mở bung bởi thủ pháo của biệt động, các chiến sĩ của ta xông vào trong, liên tục nổ súng tiêu diệt trung đội lính ngụy bảo vệ đài. Lúc này, từ trại An ninh Quân đội, địch cử lực lượng chi viện nhưng bị biệt động đánh chặn. Cầm cự đến 4 giờ sáng, địch đưa thiết giáp đến bắn trả dữ dội, nhiều chiến sĩ biệt động bị thương hoặc hy sinh. Gần sáng, máy bay trực thăng của địch quần thảo liên tục, vừa bắn rốc-két, ném lựu đạn xuống trận địa vừa kêu gọi biệt động ra hàng. Đến 6 giờ, phía ta hy sinh gần hết. Ngoài Đặng Xuân Tẻo (Ba Tẻo - chính trị viên) thoát được, 2-3 chiến sĩ còn lại dùng thuốc nổ phá hủy đài và anh dũng hy sinh.

Tôi hỏi ông Ba Tẻo: “Ở trận đánh vào Đài Phát thanh, liệu bên ta có chủ quan quá không, bởi lực lượng mình quá mỏng trong khi đó là điểm trọng yếu của địch?”. Ông trầm tư: “Tinh thần của biệt động luôn là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Cấp trên giao chúng tôi nhiệm vụ chiếm giữ đài chỉ trong vòng 1 giờ, sau đó sẽ bàn giao cho Tiểu đoàn 4 Thủ Đức nhưng Tiểu đoàn 4 tiến đến ngã tư Hàng Xanh - Thị Nghè thì bị thủy quân lục chiến địch đánh chặn nên không vào được, chúng tôi lâm vào thế thân cô thế cô trong nhiều giờ và tan rã”.

Cũng theo ông Ba Tẻo, có kết cục tương tự là trận tấn công Đại sứ quán Mỹ vào cùng thời điểm, kéo dài suốt 6 giờ rưỡi trong khi nhiệm vụ được giao là chiếm giữ sứ quán cũng chỉ trong 1 giờ rồi bàn giao cho lực lượng bổ sung đến tiếp ứng. Sau khi đánh sập vòng ngoài sứ quán, 15 chiến sĩ của đội 11 do Ngô Thanh Vân (Ba Đen) phụ trách chung và Út Nhỏ (đội trưởng trinh sát) làm đội trưởng chia làm 4 mũi: mũi 1 đánh chiếm cổng trước (đường Thống Nhất, nay là đường Lê Duẩn), mũi 2 đánh chiếm cổng hông đường Mạc Đĩnh Chi, mũi 3 đánh vào dãy nhà nhân viên, mũi 4 đánh vào chính diện sứ quán.

Sau những phút đầu làm chủ thế trận và bắt nhiều tù binh, đội biệt động bắt đầu nao núng khi địch điều Tiểu đoàn Quân cảnh Mỹ đến tiếp viện, dùng hỏa lực bắn thẳng vào trong. Từ trên cao, trực thăng địch bắn xối xả và đổ quân xuống sân thượng tòa đại sứ. Bị phản công tứ bề, nhiều chiến sĩ phía ta hy sinh. Đã hơn 7 giờ sáng nhưng vẫn chưa có lực lượng nào của ta tiếp ứng như trong hiệp đồng chiến đấu, đội biệt động yếu dần. Lính Mỹ lại dùng hơi cay xịt vào khiến các chiến sĩ kiệt sức và lần lượt buông súng. Người cuối cùng còn lại là Ba Đen. Anh ôm gói bộc phá, giật nụ xòe, đẩy về toán lính Mỹ đang tiến đến. Bị ngất lịm do sức ép của bộc phá, Ba Đen bị bắt.

Các trận đánh cùng thời điểm còn lại như tấn công vào Dinh Độc Lập, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Bộ Tư lệnh Hải quân... cũng đều rất quả cảm nhưng kết cục không như ý, dù gây được tiếng vang lớn. Riêng trận tấn công Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy do đội 3 gồm 17 chiến sĩ thực hiện, Bảy Lớp (Nguyễn Văn Lém) chỉ huy, dù khiến địch thất điên bát đảo nhưng tổn thất của phe ta khá nặng nề. Sau hơn 4 giờ đấu súng, 14 chiến sĩ bị bắt và hy sinh. Mười Lợi và Hai Liên vượt sông Sài Gòn thoát về được căn cứ ở Thủ Đức. Bảy Lớp bị địch bắt tại trận và bị Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng Giám đốc Nha cảnh sát Sài Gòn, kề súng vào đầu bắn chết trên đường phố Sài Gòn.

Trong căn nhà bình yên bên sông Sài Gòn ở phường Thảo Điền (quận 2, TP HCM), bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ) - người đưa quân trong trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân, là vợ của ông Nguyễn Đức Hùng - chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn, chưa lúc nào nguôi về sự mất mát của đồng đội, đồng chí. Bà bộc bạch: “Các anh hy sinh trong thế không cân sức. Dù thiệt hại song chúng ta tạo được thanh thế lớn trên chiến trường, góp phần làm xoay chuyển cục diện trận chiến về sau…”. 

"Biệt động Sài Gòn - Gia Định đã thực hiện xuất sắc tư tưởng quân sự Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc xâm lược" - cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Kỳ tới: Chuyện đời tướng biệt động

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo