Mới đây, bà Bùi Thị Thanh Hằng chia sẻ lên Facebook cá nhân về việc con trai bà khi đang chơi đàn violin ở tuyến phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) thì lực lượng công an không cho, yêu cầu phải dời đi.
Do thương con mù quáng!
Trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Thanh Hằng cho biết vụ việc diễn ra vào tối 28-7. "Lực lượng công an đã nạt nộ, to tiếng với con trai tôi khiến cháu sợ hãi và khóc. Nếu việc kéo đàn của cháu ở khu vực này không được phép hoặc phải xin phép để biểu diễn thì gia đình chúng tôi hoàn toàn chấp nhận. Các anh công an chỉ cần ra nhã nhặn giải thích cho cháu là đủ. Chúng tôi bức xúc vì thái độ và cách hành xử của lực lượng công an thời điểm đó" - bà Hằng chia sẻ trên Facebook.
Bà Hằng cho biết thêm là khi N. kéo đàn có đặt hộp đựng đàn ở phía trước để những người nghe nhạc ủng hộ tiền. Số tiền này N. dùng vào các hoạt động thiện nguyện.
Tuy nhiên, đến chiều 30-7, cũng trên Facebook cá nhân của mình, bà Hằng bất ngờ đăng tải lời xin lỗi với nội dung: "Tôi đăng dòng trạng thái này kính gửi lời xin lỗi sâu sắc tới các anh vì sự việc tôi đưa lên Facebook cá nhân tối 28-7. Do nóng vội và thương con một cách mù quáng, tôi đã đăng tải thông tin xúc phạm lực lượng an ninh về sự việc diễn ra khi mà tôi là người không có mặt ở đó... Sau khi đăng tải dòng trạng thái này, tôi sẽ trực tiếp đến gặp các anh để xin lỗi. Đây là sai lầm bột phát không đáng có, tôi kính mong các anh thông cảm và lượng thứ".
Mặc dù vậy, Công an quận Hoàn Kiếm và các đơn vị chức năng TP Hà Nội vẫn đang vào cuộc làm rõ về những phản ánh trước đó của bà Hằng.
Cháu V.D.H.N biểu diễn violin ở phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Thực hư câu chuyện?
Sau khi thông tin vụ việc được chia sẻ trên Facebook và báo chí đưa tin, tổ công tác trực tiếp nhắc nhở cháu N. đã có báo cáo cụ thể, với nhiều thông tin khá bất ngờ. Theo đó, khoảng 19 giờ 40 phút ngày 28-7, trong khi làm nhiệm vụ ở khu vực đối diện UBND TP Hà Nội thì thấy 1 cháu bé khoảng 10 tuổi đang kéo đàn violin. Trước mặt cháu bé, trong hộp đàn có 2 tờ tiền 20.000, 1 tờ 10.000 đồng.
Một thành viên của đoàn nhắc nhở cháu bé đóng hộp đàn lại và giải thích biểu diễn không được phép xin tiền bởi vì điều đó gây phản cảm. Cháu bé nói: "Cháu kéo đàn ở đây mấy năm rồi có ai nhắc nhở gì đâu". Lúc đó bố cháu bé đi đến hỏi tổ công tác tại sao lại cấm vô lý như vậy? Thành viên của đoàn giải thích: "Tuyến phố đi bộ mới có từ tháng 9-2016 chứ không phải mấy năm nay. Nếu ai cũng biểu diễn để xin tiền như cháu bé con anh thì phố đi bộ sẽ trở thành phố xin tiền. Còn cháu chơi với mục đích cống hiến nghệ thuật, biểu diễn cho mọi người xem thì chúng tôi không cấm".
Theo báo cáo, sau khi nghe giải thích, bố cháu bé liền lấy chân đạp vào nắp đàn để đậy xuống. Bố cháu bé đã có những lời lẽ lăng mạ tổ công tác và cả cháu bé cũng có lời lẽ xúc phạm.
Ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, cho rằng có nhiều nhóm lợi dụng vào khu vực phố đi bộ Hồ Hoàn Kiếm này biểu diễn tự phát với mục đích xin tiền. Vào mỗi tối cuối tuần, 3 đoàn kiểm tra liên ngành của quận, cùng với thanh tra văn hóa Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phải liên tục nhắc nhở, tình hình mới đỡ lộn xộn.
Trên thực tế, cơ quan quản lý của Hà Nội tỏ ra khá lúng túng khi cá nhân, tổ chức không nghiêm chỉnh chấp hành các quy định. Chính vì vậy, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã giao cho UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng quy chế quản lý đặc thù cho tất cả các lĩnh vực, trong đó có quản lý biểu diễn trên phố đi bộ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, cho biết theo quy định, chơi nhạc quyên góp tiền từ thiện phải thông báo. Nói cấp giấy phép là không đúng nhưng cơ quan quản lý cần được thông báo để kiểm soát nội dung biểu diễn, cũng như được hướng dẫn vị trí biểu diễn. Ông Động cho rằng nếu không quản lý để ai cũng vào đó biểu diễn để xin tiền hay đặt hòm từ thiện sẽ gây nhiễu loạn.
Không có chuyện tự do biểu diễn
Sau sự việc ngày 28-7, nhiều ý kiến trên mạng xã hội cho rằng không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm là không gian văn hóa mở nên để người dân tự do biểu diễn, giống như ở các quảng trường văn hóa của Paris (Pháp), London (Anh), New York (Mỹ)...
Theo nhà báo Vũ Mạnh Cường, các nghệ sĩ biểu diễn tại những không gian công cộng ở nước ngoài thường được gọi là nghệ sĩ đường phố. Tuy nhiên, đây không phải là những "tay mơ", nhiều người đã thành danh từ chính những quảng trường, công viên, những phố đi bộ hay trong những hành lang dưới lòng đất của những hệ thống tàu điện ngầm đông đúc ở Moscow, New York, London, Paris. Tại 4 thành phố trên, các nghệ sĩ nếu muốn biểu diễn đều phải xin giấy phép.
Bình luận (0)