xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Bổ nhiệm kiểu “con ông cháu cha”

HOÀNG DŨNG - TRẦN THƯỜNG - MAI NGUYỄN

Chuyện “một người làm quan cả họ được nhờ” không mới ở xã hội Việt Nam. Bằng nhiều cách, người ta sẽ tận dụng cài cắm người thân vào nơi làm việc để làm lợi riêng cho mình

Pháp luật hiện hành quy định khá chặt chẽ về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức trong tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Thế nhưng, tình trạng lợi dụng quyền lực để cài cắm, đưa người thân vào làm việc gây mất dân chủ, đoàn kết nội bộ diễn ra ở nhiều nơi.

Biến công ty nhà nước thành công ty gia đình

Mới đây, ngày 10-8, cả trăm công nhân kéo đến Thành ủy Đà Nẵng kêu cứu, yêu cầu làm rõ những sai phạm về tài chính và  bổ nhiệm cán bộ của Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Đà Nẵng (gọi tắt là Công ty MTĐT Đà Nẵng).

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hơn 10 năm qua, kể từ khi lên nắm quyền tổng giám đốc Công ty MTĐT Đà Nẵng, ông Phạm Minh Thắng đã đưa con, rể, anh em ruột và cả phía sui gia nắm giữ các vị trí chủ chốt tại các phòng ban và xí nghiệp trực thuộc, biến công ty nhà nước thành công ty gia đình.

Cụ thể, ông Phạm Minh Chiến (con ông Thắng) được bố trí làm phó phòng kế hoạch - nghiệp vụ; bà Phạm Mỹ Hoa (con ông Thắng) làm giám đốc Xí nghiệp Môi trường Ngũ Hành Sơn; ông Phạm Sau (em ruột ông Thắng) làm giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường số 1; ông Phạm Minh Công (con ông Thắng) công tác tại phòng tổ chức cán bộ; ông Lê Văn Nhựt (con rể ông Thắng) làm giám đốc Xí nghiệp Đoàn xe cơ giới và sửa chữa; ông Phạm Minh Tước (em ruột ông Thắng) làm ở Xí nghiệp Môi trường Sơn Trà...

Việc làm của ông Thắng gây mất dân chủ, đoàn kết nội bộ và đẩy cuộc sống của gần 1.000 công nhân lao động vào cảnh khó khăn, phải sống với đồng lương ít ỏi trong khi sức lao động bỏ ra quá nhiều. Ông Nguyễn Điểu, Giám đốc Sở Tài nguyên  và Môi trường TP Đà Nẵng, đánh giá chính cách điều hành công ty theo kiểu gia đình trị nên nhiều năm qua đời sống công nhân ở đây rất khổ. Cách bổ nhiệm, đề bạt ở Công ty MTĐT Đà Nẵng là có vấn đề.

 

Công nhân tập trung phản đối cách điều hành, bổ nhiệm tại Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng
Ảnh: Hoàng Dũng
Công nhân tập trung phản đối cách điều hành, bổ nhiệm tại Công ty Môi trường đô thị Đà Nẵng Ảnh: Hoàng Dũng

 

Thời gian qua, Báo Người Lao Động cũng tiếp nhận khá nhiều đơn thư tố cáo như vậy, xảy ra tại một số cơ quan, bệnh viện, trường học, cơ sở y tế nhà nước. Cũng từ đơn phản ánh, chúng tôi đã xác minh, thông tin vụ việc liên quan đến việc bổ nhiệm trái quy định tại Trung tâm Y tế (TTYT) huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Vào cuối tháng 8-2014, ngay trước lúc rời vị trí giám đốc đơn vị này để chuyển công tác khác, ông Mai Văn Mười đã ký hợp đồng lao động cho 8 trường hợp là người thân của ông hoặc con em của các cán bộ lãnh đạo trong trung tâm. Vụ việc sau đó được Sở Y tế tỉnh Quảng Nam xác minh, khẳng định là có thật nhưng chỉ yêu cầu Trung tâm Y tế huyện Thăng Bình... rút kinh nghiệm. Kết quả là đến nay, những người được ông Mười bổ nhiệm vẫn tại vị, riêng ông “hạ cánh an toàn” với chức vụ đang nắm giữ là chi cục trưởng Chi cục Dân số và Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam.

“Nhất hậu duệ, nhì tiền tệ”

Theo TS Ngô Minh Hải, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, một số người là con cháu của quan chức nhưng làm việc rất hiệu quả, thực sự có tài, đưa DN đi lên. Nhưng đại đa số những người được đưa vào đều làm việc rất kém hiệu quả và... đẩy DN đi xuống. Chính sự lạm quyền đã đẻ ra kiểu tuyển dụng “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ”, đè nặng lên hiệu quả hoạt động của cơ quan công quyền, DNNN.

Vậy làm thế nào để ngăn chặn tình trạng lạm quyền? Các chuyên gia cho rằng vấn đề nằm ở thể chế pháp luật. Các quy định về tuyển dụng bổ nhiệm cán bộ, công chức hiện nay dù khá chặt chẽ nhưng lại thiếu cụ thể, chưa bao quát hết vị trí làm việc, chức danh, chức vụ đối với người được tuyển dụng, bổ nhiệm là người thân của người ra quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm. Bên cạnh đó, do điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng, bổ nhiệm áp dụng chung cho mọi đối tượng nên khó tránh bị lợi dụng để đưa người thân vào làm việc. Về cơ chế, theo ông Ngô Minh Hải, liên quan nhiều đến những yếu kém của DNNN. Từ năm 1990, Chính phủ đã ra cơ chế tuyển dụng tổng giám đốc nhưng đến nay vẫn làm không hiệu quả. Việc đẩy mạnh cổ phần hóa khối DN này đang được thúc đẩy nhưng thực tế cho thấy những người lãnh đạo các DNNN sau cổ phần hóa vẫn là những cán bộ được bổ nhiệm trước đây. Họ vẫn mang tư duy trì trệ thời quan liêu bao cấp và vì thế khó tránh khỏi những chuyện không hay trong tuyển dụng, bổ nhiệm.

 

Phải công tâm, khách quan, dân chủ

Ngày 19-2-2014, ông Phạm Đình Vận, Tổng Giám đốc Công ty Bảo đảm An toàn Hàng hải miền Nam (VMS-South) bổ nhiệm con trai là Phạm Tuấn Anh (đang là Trưởng phòng an toàn hàng hải) làm Phó Tổng Giám đốc VMS-South. Ông Phạm Tuấn Anh nhậm chức vụ mới chỉ 13 ngày trước khi ông Vận nhận quyết định nghỉ hưu. Ngoài ra, ông Phạm Quốc Súy, Phó Tổng Giám đốc VMS-South, em ruột ông Vận, cũng được đề bạt lên thay vị trí anh trai. Từ trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng ra văn bản yêu cầu các đơn vị, DN trực thuộc chấn chỉnh việc tuyển dụng, bổ nhiệm, trong đó lưu ý lãnh đạo đơn vị, DN không được ra quyết định bổ nhiệm trước khi nghỉ hưu.

Nói thế để thấy việc ngăn chặn tình trạng tùy tiện tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ cần có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp ngành, địa phương, của cả hệ thống chính trị. Đây là vấn đề mà Đảng, nhà nước, Chính phủ rất lưu tâm. Tại Đại hội Đảng bộ Văn phòng Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặc biệt lưu ý công tác tổ chức cán bộ, tuyển dụng, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, xử lý cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan, dân chủ, theo đúng nguyên tắc, quy định, quy trình.

 

Ông Diệp Văn Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng - Bộ Nội vụ:

Từ “gia đình trị” đến “sân sau”

 

img

Chuyện “một người làm quan, cả họ được nhờ” khá phổ biến trong xã hội Việt Nam. Sự việc ông Phạm Minh Thắng, Tổng Giám đốc Công ty MTĐT Đà Nẵng, biến đơn vị thành công ty “gia đình trị” là bằng chứng rõ ràng nhất. Ông quan đầu tỉnh, đầu ngành hay giám đốc một công ty thì thừa khả năng “sắp xếp” các vị trí cán bộ chủ chốt cho người thân, họ hàng mình. Từ “gia đình trị” sẽ tiến tới “dòng họ trị” để bảo vệ quyền lực cho cá nhân từng người. Cũng có thể từ “một người làm quan” mà cả họ được kiếm chác vật chất và trục lợi bằng cách tạo ra “sân sau”. Những “sân sau” này sẽ là nơi nhận những hợp đồng béo bở. Bằng nhiều cách người ta sẽ tận dụng lợi thế để làm lợi riêng cho mình.

Muốn hạn chế được tình trạng trên, đơn vị chủ quản phải kiểm soát chặt chẽ vấn đề nhân sự, phát huy dân chủ cơ sở. Có như vậy mới mong hạn chế phần nào chứ tình trạng này đang rất khó kiểm soát.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM:

Cần minh bạch tuyển dụng

 

img

Theo quy định tại điều 70 Luật DN 2005 thì giám đốc công ty TNHH MTV có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty. Điều 99 Luật DN 2014 cũng có quy định giám đốc DNNN có quyền bổ nhiệm, thuê, miễn nhiệm, cách chức, chấm dứt hợp đồng đối với các chức danh quản lý trong công ty, trừ các chức danh thuộc thẩm quyền của hội đồng thành viên hoặc chủ tịch công ty; có quyền tuyển dụng lao động. Như vậy, nếu các chức danh mà ông Phạm Minh Thắng bổ nhiệm, tuyển dụng thuộc thẩm quyền của ông thì sẽ là phù hợp.

Tuy nhiên, theo quy định tại điều 18 Luật Phòng chống tham nhũng 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2007 và 2012) thì một trong các nội dung phải công khai trong hoạt động quản lý DNNN là việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý; công khai họ, tên, nhiệm vụ, lương và các khoản thu nhập khác của người trong hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, kế toán trưởng. Trong công tác tổ chức - cán bộ, phải công khai, minh bạch các nội dung về tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác vào cơ quan, tổ chức, đơn vị; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức, cho thôi việc, cho thôi giữ chức vụ, hưu trí đối với cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, cần phải xem xét việc bổ nhiệm, tuyển dụng trên có đúng quy định trên hay không.

Hiện nay, bên cạnh Luật Phòng chống tham nhũng thì Luật DN 2014 cũng như Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN cũng quy định rõ về việc bổ nhiệm, tuyển dụng người quản lý trong DN. Ngoài ra, điều lệ công ty nên quy định rõ về tiêu chuẩn, điều kiện đối với mỗi vị trí, về việc công khai minh bạch trong quá trình tuyển dụng để không xảy ra tình trạng lợi ích nhóm trong DN.

Phan Anh ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo