Sau sự cố quy định “ngực lép” không được lái xe gây nhiều tranh cãi tại dự thảo ban hành năm 2008, sáng 30-12, Bộ Y tế đã công bố dự thảo mới do liên bộ Y tế - Giao thông Vận tải ban hành về sức khỏe người lái xe.

Trong dự thảo, bỏ các quy định về thể lực từng gây nhiều tranh cãi như các chỉ số: chiều cao, cân nặng, vòng ngực... đối với người lái xe, điển hình là quy định “người có số đo vòng ngực dưới 72 cm không được đi xe máy trên 50 cm3” ban hành năm 2008, được xem là đã hạn chế quyền hiến định của công dân trong sử dụng tài sản, phương tiện tham gia giao thông; tạo phân biệt đối xử không cần thiết với một số công dân.
3 nhóm tiêu chuẩn
Theo ông Lê Tuấn Đống, Trưởng Phòng Phục hồi chức năng và Giám định của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bãi bỏ những quy định về thể lực nói trên không xuất phát từ “bão” dư luận mà do các nhà sản xuất ô tô, xe máy đã có những thiết kế và trợ lực thuận lợi cho lái xe. Người tiêu dùng có thể chọn loại xe phù hợp để an toàn khi tham gia giao thông.
Ông Thân Văn Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho rằng bỏ quy định “ngực lép” là đúng bởi các nước trong khu vực cũng chưa quy định về thể lực đối với sức khỏe người lái xe.
Theo ông Đống, dự thảo lần này mở rộng không chỉ với người Việt Nam mà cả người nước ngoài ở trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời phân các tiêu chuẩn theo 3 nhóm: nhóm 1 (hạng A1), nhóm 2 (hạng B1), nhóm 3 (những người lái xe hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2. FC, FD, FE).
Người có một trong các tình trạng bệnh, tật, thể lực sau đây sẽ không đủ điều kiện để lái mô tô, xe máy (hạng A1): rối loạn tâm thần cấp; rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi; liệt vận động một chi trở lên (mức độ từ 0 đến 2/5); thị lực nhìn xa 2 mắt dưới 4/10; rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản là đỏ, vàng, xanh; cụt mất chức năng một bàn tay hoặc một bàn chân không đáp ứng được chức năng kể cả có dụng cụ hỗ trợ...
“Trường hợp điều khiển xe máy đã được cấp bằng lái hạng A1, nếu gặp các vấn đề sức khỏe nói trên sẽ không bị thu lại bằng lái” - ông Đống giải thích.
Gù, vẹo không được hành nghề lái xe
Đặc biệt, theo dự thảo, người bị rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi, liệt vận động một chi trở lên, thị lực hai mắt còn 4/10, mù màu, sử dụng cồn có nồng độ vượt quá giới hạn cho phép đều không được phép lái bất cứ loại xe cơ giới nào. Không được phép hành nghề lái xe nếu đó là người bị rối loạn cảm giác sâu, động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng, chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý, rối loạn nhịp tim, cụt hoặc mất chức năng chi không đáp ứng được chức năng lái xe dù đã có dụng cụ hỗ trợ; gù, vẹo cột sống; từng ghép tim, bị lao phổi giai đoạn lây nhiễm, khớp giả ở vị trí xương lớn, cụt hoặc mất chức năng ngón cái, hen phế quản; bị tật khúc xạ có số kính lớn hơn 5 diop…
Theo ông Đống, lái xe chuyên nghiệp 2 năm phải khám sức khỏe định kỳ một lần. Bác sĩ yêu cầu người khám ký cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm về lời khai của mình. Nếu sau này để xảy ra tai nạn vì các loại bệnh tật mà Bộ Y tế khuyến cáo cấm không được lái xe thì người lái xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cũng trong dự thảo lần này, người dùng ma túy không được sử dụng bất cứ loại phương tiện giao thông nào.
Nhiều lái xe dương tính với chất gây nghiện
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), tới đây, việc kiểm tra sức khỏe lái xe sẽ được mở rộng trên toàn quốc với tất cả các loại xe có kinh doanh vận tải. Thực tế, qua kiểm tra sức khỏe lái xe, cơ quan chức năng phát hiện có một tỉ lệ nhất định sử dụng các chất gây nghiện và những trường hợp này đã bị tước quyền lái xe.
Bình luận (0)