Theo ông Phong, việc làm này nhằm xác định lại độc tính, mức độ nhiễm phenol và các sai số có thể xảy xa trong quá trình xét nghiệm trước đó. Cục An toàn thực phẩm đang rà soát danh mục chất phenol trong bảng tiêu chuẩn thực phẩm Codex quốc tế về thành phần, hàm lượng bởi trên thực tế, tồn dư các thuốc bảo vệ thực vật vẫn được chấp nhận trong thực phẩm ở mức cho phép.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Y tế tỉnh Quảng Trị kiểm tra kho đông lạnh có cá nục nhiễm phenolẢnh: Hoàng Lợi
Cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Trị xác nhận lãnh đạo Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh đã niêm phong lô cá nục đông lạnh nhiễm chất phenol nêu trên.
Theo kết quả kiểm tra ngày 7-6 (Báo Người Lao Động đã thông tin), 1 trong 6 mẫu cá nục tại kho đông lạnh của bà Thuộc có hàm lượng chất phenol ở mức 0,037mg/kg. Lãnh đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Trị khẳng định ngành y tế quy định không được phép có hàm lượng chất phenol trong thực phẩm. Tuy nhiên, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đưa ra quan điểm chất phenol không có trong quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm của ngành nông nghiệp và một số chất cực độc vẫn có trong thực phẩm nhưng ở hàm lượng cho phép. Đến nay, lãnh đạo hai ngành y tế và NN-PTNT của tỉnh Quảng Trị vẫn chưa thống nhất được phenol là chất có được phép tồn tại trong thực phẩm hay không.
Liên quan đến thông tin cá nục nhiễm phenol, một số chuyên gia thực phẩm cho rằng cần xem xét chất này có trong cá là do nhiễm từ nước biển hay từ quá trình bảo quản cá để chống ươn. Theo các chuyên gia hóa học, phenol được dùng nhiều trong công nghiệp và có thể ngấm vào nguồn nước. Phenol dễ hòa tan trong thực phẩm. Do đó, tôm, cá và cả người dân đều có khả năng bị nhiễm phenol.
Bình luận (0)