Phóng viên: Thưa ông, việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam đã lộ rõ mục đích gì?
- TS Nguyễn Ngọc Trường:
Đây là chiến thuật mới của Trung Quốc nhằm thực hiện mục tiêu lấn chiếm biển Đông. Đấy là một phần của chủ trương biển Đông của Bắc Kinh thời kỳ “hậu Crimea”. Mục tiêu chiến thuật này gồm hai phần: Một là, chiếm đảo Cỏ Mây do Philippines kiểm soát qua chiến thuật “cây bắp cải”: bao vây điểm đồn trú của Philippines tại hòn đảo nửa chìm nửa nổi này, không cho chi viện và tiếp tế, buộc Philippines phải rút quân đồn trú để rồi kiểm soát toàn bộ vùng biển phía Tây Philippines. Hai là, đưa giàn khoan vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam để trước hết thăm dò, sau đó khai thác dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam. Trước hết, khai thác dầu khí tại khu vực Tây Philippines và Đông Việt Nam, tiến tới khu vực Malaysia đang kiểm soát ở cực Nam biển Đông. Như vậy, mục đích là hoàn thành chủ trương “tích cực lấn chiếm, tích cực khai thác” biển Đông được Bắc Kinh theo đuổi mấy năm gần đây. Cuối cùng là để thiết lập “trật tự Trung Hoa” ở vùng biển quan trọng này của thế giới.
Hành động trên còn cho thấy Trung Quốc tiếp tục thực hiện chủ trương “lục hoãn, hải khẩu” (trên đất liền hòa hoãn, dưới biển tranh chấp) với Việt Nam, hòng lấn chiếm từng bước theo kế sách “ba bước tiến, hai bước lùi”, bao giờ cũng lợi một bước.
Không nên quan niệm đơn giản “bây giờ Trung Quốc chỉ thăm dò, chưa khai thác”(!). Phải thấy trước rằng “trước thăm dò, sau khai thác”. Không chỉ 1 lô mà sẽ thực hiện ở các lô khác trong thềm lục địa Việt Nam. Nhìn toàn bộ, đó là một tiến trình kéo dài, nếu Việt Nam nhượng bộ và ASEAN cũng như dư luận thế giới không phản ứng mạnh.
Hành vi của Trung Quốc đã vi phạm các cam kết nào đã thỏa thuận với Việt Nam, với ASEAN và với các điều ước quốc tế?
- Trước hết là vi phạm 2 thỏa thuận cấp cao gần đây nhất, nêu trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc tại Bắc Kinh ngày 21-6-2013 giữa 2 người đứng đầu nhà nước Việt Nam và Trung Quốc. Tiếp đó là trong Tuyên bố chung Việt Nam - Trung Quốc tại Hà Nội ngày 15-10-2013 giữa 2 người đứng đầu Chính phủ Việt Nam và Trung Quốc. Về đa phương, đó là vi phạm Tuyên bố chung của các bên về ứng xử trên biển Đông (DOC) năm 2002 giữa ASEAN - Trung Quốc. Về điều ước quốc tế, đó là vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc 1982 về Luật Biển.
Hành vi đó cũng đi ngược lại các tuyên bố của các vị lãnh đạo Trung Quốc trong 5 năm qua là muốn biến biển Đông thành khu vực “hòa bình, thịnh vượng và phát triển”; trái với tôn chỉ được văn kiện 2 đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc những năm qua, có nêu: “Trung Quốc chống chủ nghĩa bá quyền và chính trị cường quyền, đồng thời vĩnh viễn không xưng bá, vĩnh viễn không bành trướng”.
Chúng ta phải làm gì để giải quyết vụ vi phạm trắng trợn này ngoài các giải pháp truyền thống?
- Trung Quốc làm việc này để thăm dò Việt Nam. Chúng ta không được để Trung Quốc biến vụ việc này thành “việc đã rồi” vì càng nhân nhượng, họ càng lấn tới.
Việt Nam có chính nghĩa và có sự hậu thuẫn của luật pháp quốc tế. Nhưng chính nghĩa tự nó không tỏa sáng. Chúng ta phải làm cho nhân dân Trung Quốc, dư luận ASEAN và quốc tế đồng tình ủng hộ ta.
Nếu Trung Quốc không rút giàn khoan, ta có thể làm như Philippines, cũng có thể tham gia cùng Philippines khởi kiện lên Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển. Đó là con đường mà một nước nhỏ có thể chống lại chính sách cường quyền.
“Việt Nam nên xem xét đưa vụ việc lên Tòa án Trọng tài quốc tế về Luật Biển, đồng thời hợp tác cùng các nước đang tranh chấp biển đảo với Trung Quốc và tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Khi đó, Trung Quốc sẽ nhượng bộ vì bị cộng đồng quốc tế tạo sức ép, buộc đưa ra cơ sở pháp lý thuyết phục về đường lưỡi bò - điều mà nước này đang thiếu”.
TS Bonnie Glaser, chuyên gia về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ)
Bình luận (0)