Trong khi hàng loạt phương tiện liên tục tăng cường quần thảo mặt biển thì thông tin truyền về hết sức mỏng manh, nhỏ giọt và chỉ dừng lại ở các nghi vấn.
Cùng với nhiều phương tiện khác, thủy phi cơ của Việt Nam số hiệu VNT-777 đã 2 lần cất cánh thám sát mặt biển phía Nam đảo Thổ Chu (tỉnh Kiên Giang) vào lúc 6 giờ 30 phút và 14 giờ 50 phút. Trong chuyến bay buổi chiều, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Phạm Quý Tiêu đã đi cùng và đến khu vực có vật thể lạ nghi liên quan máy bay mất tích. Cùng lúc, chiếc trực thăng Mi 171 thuộc Trung đoàn 917 - Sư đoàn 370 cũng khởi hành. 12 giờ 20 phút, tàu CSB 2002 của Cảnh sát biển Vùng 4 cũng xuất phát từ Phú Quốc ra tìm kiếm thay cho tàu CSB 2001 quay vào bờ tiếp nhiên liệu.
Đại tá Trần Văn Lâm, Phó Sư đoàn trưởng Sư đoàn 370, cho biết đã có 3 chiếc trực thăng Mi 171 trực chiến tại sân bay Cà Mau, tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Chiều cùng ngày, Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, làm việc với đoàn cứu hộ tại Cà Mau, đồng thời thăm hỏi và động viên các lực lượng tham gia cứu nạn cứu hộ.
Ngay khi đến Phú Quốc chuẩn bị thành lập Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu chỉ đạo các bộ phận liên quan phải sẵn sàng đáp ứng nhiên liệu tại sân bay Phú Quốc cho cả máy bay của quân đội ta và nước ngoài (nếu có). An ninh sân bay tăng lên mức báo động 1.
Phương án tiếp nhận, bảo quản thi thể nạn nhân cũng được tính toán. Trong đó, y tế được chú trọng với một tổ công tác đặc biệt được thành lập.
Ông Tiêu cũng yêu cầu chính quyền huyện Phú Quốc chuẩn bị hậu cần phục vụ thân nhân gia đình những người bị nạn, báo chí và những người liên quan. Các nhân viên, cán bộ biết nói tiếng Anh cũng được huy động.
Trước thông tin Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu hộ lập tại đảo Phú Quốc và khả năng công tác trục vớt sẽ quy tập về đây khi phát hiện máy bay bị nạn, rất đông phóng viên trong và ngoài nước đã đổ về Phú Quốc vào sáng 10-3, sốt ruột muốn nắm bắt ngay những diễn biến mới nhất...
Chưa có tín hiệu nào khả quan
Lúc 19 giờ 20 phút ngày 10-3, từ ngoài khơi trở về sau nửa ngày trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm trên biển, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã trao đổi thông tin với hơn 100 nhà báo đợi sẵn từ nhiều giờ trước. Ông Tiêu nói ngay rằng rất buồn khi đã 3 ngày cật lực tìm kiếm mà các lực lượng vẫn chưa gặp được tín hiệu nào khả quan.
“Về việc phía Singapore nói có phát hiện hiện vật nghi của máy bay rơi nhưng chúng tôi đánh giá chưa có cơ sở khẳng định” - ông Tiêu nói.
Trước câu hỏi về công tác tìm kiếm trong những ngày tới, ông Tiêu khẳng định Việt Nam quyết tâm tìm kiếm cho đến khi nào rõ mọi vấn đề và sẽ làm hết khả năng hiện có. “Ngày 11-3, chúng tôi sẽ họp với các đơn vị và địa phương để tiến hành các công việc tiếp theo” - ông Tiêu cho biết.
Trong ngày 10-3, đã có một số phóng viên theo tàu và máy bay tiếp cận hiện trường tìm kiếm trên biển, trong đó có phóng viên của các báo nước ngoài. Ông Tiêu nói Sở Chỉ huy tiền phương tìm kiếm cứu nạn sẽ thu xếp cho các phóng viên còn lại lên phương tiện đi làm nhiệm vụ của lực lượng chức năng trong những ngày tới.Q.Lâm - C.Linh
9 nước tham gia tìm kiếm
Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn ngày 10-3 cho biết theo đề nghị của Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam đã cấp phép cho 3 tàu Trung Quốc và 1 tàu Mỹ vào tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay mất tích của Malaysia Airlines. Những tàu này hoạt động dưới sự điều phối, chỉ huy và bảo đảm an ninh chủ quyền của Việt Nam.
Cùng ngày, có thêm New Zealand tham gia tìm kiếm. Tính tổng cộng, đến thời điểm hiện tại đã có 9 quốc gia tham gia công tác tìm kiếm máy bay mất tích.
V.Duẩn - B.Ngọc
Bình luận (0)