Sinh ra và lớn lên ở miền Tây sông nước, bên những câu hò, điệu lý cùng với tiếng đàn cò réo rắt, nỉ non của ông nội, đờn ca tài tử đã đi vào lòng nghệ sĩ Trọng Hữu khi ông còn là một cậu bé tuổi lên 10.
Thắt chặt tình nghĩa xóm làng
Ngày ấy, dù là buổi trưa hè nắng gắt hay chiều mưa lất phất, cậu bé Trọng Hữu cũng được ông nội cõng đi xem đờn ca tài tử. “Ông nội là tay đờn cò rất nổi tiếng, cha cũng tham gia Đoàn Văn công Tây Nam Bộ nên ngay từ nhỏ, tôi đã mê đờn ca tài tử. Hễ nơi nào tổ chức là tôi đòi ông nội cõng đi xem. Khi tập tành hát thì tôi theo ông nội đi phục vụ ở các đám cưới, đám tiệc. Tới năm 16 tuổi, tôi theo cha vào Đoàn Văn công Tây Nam Bộ” - nghệ sĩ Trọng Hữu hồi tưởng thuở thơ ấu.
Nghệ sĩ Trọng Hữu còn nhớ như in ở vùng quê thời ấy (xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, TP Cần Thơ - bây giờ là tỉnh Hậu Giang), những khi trời sập tối, gà vừa lên chuồng cũng là lúc người trong làng í ới gọi nhau đi xem đờn ca tài tử. Thông thường, mỗi khi có đám tiệc hay kết thúc vụ mùa là người trong xóm tụ tập lại cùng đàn, ca. Cũng có khi ai đó ngẫu hứng mang đàn ra dạo rồi hát một mình, người qua kẻ lại thấy thích nên kéo vào tụ thành nhóm. Vậy là tiếng đàn và giọng ca có thể cất lên mọi lúc, mọi nơi, miễn có cảm hứng.
Nhà văn Sơn Nam từng viết: “Ở các loại hình văn nghệ khác thì đòi hỏi phải biểu diễn theo bài bản với đầy đủ nhạc cụ tấu xướng, còn đờn ca tài tử chỉ cần ít nhất 2 người và cây đàn guitar phím lõm là đủ”.
Thật vậy, “ca sĩ” là những người trong xóm, bất kể tuổi tác, giới tính, ai thuộc bài nào thì lên ca bài đó, giao lưu là chính. Khi bàn tay “nghệ sĩ” búng bẩy, nhấn nhá trên cung phím là lúc những tiếng ca bắt đầu cất lên. “Vui nhất là những đêm rằm, trăng sáng. Nếu đúng dịp người dân vừa thu hoạch mùa màng xong thì càng xôm tụ hơn. Họ hát như ăn mừng một mùa bội thu vậy” - nghệ sĩ Trọng Hữu nhớ lại.
Theo nghệ sĩ Trọng Hữu, thời ấy, người ta hát để quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống thường ngày, thắt chặt tình nghĩa xóm làng và điều đó trở thành một nét đẹp văn hóa của người dân vùng sông nước miền Tây Nam Bộ.
Theo đuổi và tỏa sáng
Thời gian có thể làm thay đổi nhiều thứ. Mái tóc giờ đã điểm nhiều sợi bạc nhưng ký ức ngày thơ bé vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí của nghệ sĩ Út Bạch Lan. Sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở xã Lộc Giang, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, mới 13 tuổi, bé Út (tên nghệ sĩ Út Bạch Lan lúc nhỏ) cùng Văn Vĩ (anh kết nghĩa) phải dắt nhau đi hát rong từ chợ Lớn đến chợ Bến Thành để kiếm sống.
“Hồi đó, tôi mê đờn ca tài tử lắm! Mỗi lần nghe những bài ca trong đài là tập tành hát theo. Vì muốn kiếm tiền phụ mẹ, tôi và anh Văn Vĩ rong ruổi khắp nơi để kiếm tiền” - nghệ sĩ Út Bạch Lan kể.
Sở hữu giọng hát hay thiên bẩm nên một thời gian sau, bà được hát tại nhà hàng mỗi khi có tiệc tùng và tình cờ gặp cô Năm Cần Thơ - danh ca lúc bấy giờ. Thấy Út Bạch Lan ca hay, cô Năm Cần Thơ đã dẫn bà đi hát chung ở quán cổ nhạc Họa Mi trong khu Đại Thế Giới (Trung tâm Văn hóa quận 5 ngày nay). Sau đó, cô Năm Cần Thơ giới thiệu Út Bạch Lan cho Đài Phát thanh Pháp Á, còn Văn Vĩ cũng được danh ca Thành Công giới thiệu đàn cho đài này.
“Nếu không có những ngày tháng tự mày mò học các bản đờn ca tài tử thì chắc sau này tôi không bao giờ hát cải lương hay được” - nghệ sĩ Út Bạch Lan cho biết.
Nghệ sĩ Hồng Nga cũng làm quen với đờn ca tài tử trong thời gian vất vả mưu sinh bằng nghề gánh nước thuê vào năm 13 tuổi. Bà bùi ngùi nhớ lại: “Tôi mê hát từ nhỏ, nghe bài Cô bán đèn hoa giấy (do nghệ sĩ Thanh Hương hát trên Đài Phát thanh Sài Gòn) đến thuộc làu. Tình cờ, một lần gánh nước đi ngang tiệm hớt tóc, nghe tiếng đàn của ông thợ hay quá nên tôi liều xin vào ca thử. Ai ngờ tôi ca đúng nhịp làm ông thợ khen quá chừng. Từ đó, hễ rảnh rỗi tôi lại ra đây tập hát”. Thời gian sau, Hồng Nga được cha nuôi là ông Tám Đen, một thầy đờn, dạy ca đủ 3 Nam - 6 Bắc, vọng cổ và các bài bản lớn. Sau này, ông Tám Đen gửi gắm Hồng Nga cho nhạc sĩ Văn Vĩ và bà theo nghề từ dạo ấy.
Lúc còn ở làng quê Thủ Thiêm, NSND Ngọc Giàu mới 10 tuổi nhưng cũng đã mê tít những bài ca tài tử của nghệ sĩ Út Trà Ôn, cô Năm Cần Thơ và tập tành hát theo. “Thời đó, ba hay dẫn tôi theo các đám tiệc để nghe đờn ca tài tử. Tôi mê quá nên cũng được dạy ca vài nhịp” - bà kể.
Khi còn bé, NSƯT Minh Vương ngày ngày lội bộ qua cầu chữ Y (quận 8, TP HCM) vớt lăng quăng nuôi cá và cũng “bén duyên” với lớp học đờn ca tài tử do nghệ nhân Bảy Trạch phụ trách. “Vốn mê hát nên vừa nghe tiếng rao đờn là tôi quên mất cả việc đi vớt lăng quăng. Chính những ngày tháng ở lớp của nghệ nhân Bảy Trạch đã nuôi dưỡng, bồi đắp niềm đam mê để tôi đến với sân khấu cải lương sau này” - NSƯT Minh Vương nhớ lại.
Các nghệ sĩ nêu trên đã theo đuổi, gắn bó với đờn ca tài tử từ nhỏ dù lúc ấy cuộc sống mưu sinh còn nhiều vất vả. Chính những ngày đi xem, đi hát đờn ca tài tử đã bồi đắp, đưa họ đến với sân khấu cải lương và tỏa sáng, trở thành những tên tuổi nổi tiếng sau này.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 30-12
Kỳ tới: Vừa mừng vừa lo
Bốn đời theo nghiệp đờn ca
Vùng đất Phước Long là nơi sản sinh ra nhiều danh ca, danh cầm nhạc tài tử nhất Bạc Liêu. Đặc biệt, gia đình cố nghệ nhân Hai Thành (Mai Chí Thành, ngụ ấp Hành Chính, thị trấn Phước Long) có đến 4 thế hệ đờn ca tài tử và hiện được nghệ nhân Năm Xinh (Mai Phước Xinh, con nghệ nhân Hai Thành) duy trì với CLB Đờn ca tài tử Phước Xinh.
Được cha ruột là nghệ nhân Mười Đờn (Mai Văn Minh) truyền dạy ngón nghề đờn ca khi mới 8 tuổi, ông Hai Thành khổ luyện cả đời để đạt đến trình độ “nhuyễn” hết 20 bản tổ của đờn ca tài tử và đàn điêu luyện cả 4 loại nhạc cụ (kìm, cò, guitar, sến). D.Nhân
Bình luận (0)