Ngày 26-6, UBND huyện Sông Hinh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Phú Yên cho biết đã báo cáo về sự cố thấm nước ở hồ thủy lợi Buôn La Bách (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh) và đề nghị khắc phục khẩn cấp để bảo đảm tính mạng người dân.
Lo vỡ đập
Tại thân đập phía hạ lưu được đắp bằng đất, tính từ chân đập lên khoảng 5 m đã xuất hiện nhiều chỗ thấm nước, nước đọng thành vũng, có nơi chảy thành dòng, kéo dài khoảng 230 m. Nhiều nơi nước thấm làm đất nhão như sình lầy, người lội vào đó khó lòng nhấc chân lên nổi. Sườn đập bị sụt lún, biến dạng.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, trong số chiều dài thân đập từ 230-240 m bị thấm nước có khoảng 70 m nước thấm mạnh, dòng nước thấm qua đập trong. Lún mái hạ lưu ở khu vực thấm mạnh. Rãnh tiêu thoát nước chân đập phía hạ lưu đã lún, sập gãy với chiều dài khoảng 20 m.
Công trình xuất hiện hiện tượng thấm ra mái hạ lưu đập rất nhiều và lan rộng Ảnh: PHAN NGỌC
Phía dưới hạ lưu, cách chân đập khoảng 600 m là nơi cư ngụ gần 150 hộ dân người Ê Đê thuộc các buôn La Bách (xã Ea Trol), buôn Lê Diêm (thị trấn Hai Riêng) và buôn Dành A (xã Ea Bia) ở huyện Sông Hinh. Nếu xảy ra sự cố vỡ đập, tính mạng người dân nơi đây sẽ bị đe dọa.
"Lo lắm chớ! Không phát hiện thì thôi, chứ phát hiện thì phải xử lý ngay chứ không chết người đấy chớ" - ông La O Y Thanh, Chủ tịch UBND xã EaTrol, lo lắng.
Ông Nguyễn Phụng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, đã cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra sự cố. "Tôi nghe phó chi cục trưởng đi thực tế trên đó về báo lại là nguy hiểm chứ không phải chuyện thường. Đập mà rò rỉ, thấm nước thì không phải người dân mà bất kỳ ai nhìn thấy cũng đều sợ vì đây là đập đất chứ chẳng phải đập bê tông. Đập đất mà thấm là nguy hiểm" - ông Phụng nói.
Cũng theo ông Phụng, hiện chưa xác định được nguyên nhân thấm nước qua thân đập. Muốn xác định được nguyên nhân để đưa ra biện pháp khắc phục phải thuê đơn vị tư vấn độc lập đánh giá bởi nhìn trực quan không thể đánh giá hết mức độ nguy hiểm.
Khi nghiệm thu đã phát hiện?
Hồ chứa nước Buôn La Bách nằm ở phía Tây thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, được xây dựng trên diện tích hơn 91 ha, có dung tích 2,2 triệu m3 nước. Công trình được thi công từ năm 2005, đưa vào sử dụng năm 2013 với tổng mức đầu tư gần 25 tỉ đồng. Công trình do Ban Quản lý (BQL) dự án Thủy lợi và Phòng chống thiên tai (nay là BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT) Phú Yên làm chủ đầu tư.
Theo ông Đặng Đình Toại, Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh, khi nghiệm thu đã phát hiện nước thấm qua đập hạ lưu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, nước thấm chưa nhiều.
"Về mặt kỹ thuật thì lúc đó cho rằng thẩm thấu như vậy chấp nhận được nên nghiệm thu. Giờ thì nước thấm nhiều rồi" - ông Toại nói.
Hiện huyện Sông Hinh đã có công văn đề nghị tỉnh chỉ đạo để Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên xác định rõ nguyên nhân dẫn đến thấm nước và phải có biện pháp xử lý kịp thời trước mùa mưa lũ.
Về việc phát hiện thấm nước nhưng vẫn cho nghiệm thu, ông Cao Đình Huy, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Phú Yên, cho biết công trình này trước đây do BQL các công trình thủy lợi làm chủ đầu tư.
Thời điểm này, người khác làm trưởng ban nên ông không rõ. Đến khi nhập ban, công trình được chuyển về BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Phú Yên thì đập đất đã làm xong.
Trong báo cáo gửi UBND tỉnh Phú Yên mới đây do ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, ký đã xác định đây là sự cố nghiêm trọng. Công trình đã xuất hiện hiện tượng thấm ra mái hạ lưu đập rất nhiều và lan rộng. Mái hạ lưu đang bị sụt lún, hư hỏng nặng và có nguy cơ gây mất an toàn đập, nhất là trong mùa lũ năm 2017.
Giải pháp để khắc phục là phải khoan phụt tạo màng chống thấm cho toàn bộ đập chính, bóc bỏ và hoàn thiện lại mái hạ lưu đập, hoàn thiện hệ thống tiêu thoát nước mái hạ lưu, đầu tư hệ thống quan trắc đập. Để thực hiện các giải pháp này, kinh phí sẽ không nhỏ nhưng phải khắc phục khẩn cấp.
Chưa thống nhất cơ quan xử lý
Ông Trần Hữu Thế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhận định trước sự cố này, đương nhiên là người dân lo lắng. Trách nhiệm của chính quyền phải tập trung xử lý. Hiện UBND tỉnh Phú Yên đã giao Sở NN-PTNT tỉnh khảo sát cụ thể. Tuy nhiên, hiện Sở NN-PTNT và UBND huyện Sông Hinh chưa thống nhất cơ quan nào đứng ra xử lý.
"Trong tuần này, UBND tỉnh sẽ tổ chức họp để thống nhất phương án, giao cho cơ quan nào thực hiện nhiệm vụ khắc phục sự cố. Chắc chắn chúng tôi sẽ khắc phục xong trước mùa mưa lũ để bảo đảm an toàn cho người dân" - ông Thế nói.
Bình luận (0)