Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) đã quyết định chọn chủ đề này nhằm đề cao giá trị các mối quan hệ, nhắc nhở mọi người thể hiện tình thương yêu, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau về thể chất và tinh thần thông qua các bữa ăn hằng ngày trong gia đình.
Bộ VH-TT-DL cũng đã phát động tuyên truyền về khung giờ “vàng” từ 17 giờ đến 19 giờ trên phạm vi cả nước, mời gọi các thành viên trong gia đình tổ chức “Bữa cơm gia đình” một cách có ý nghĩa trong ngày Gia đình Việt Nam.
Nỗ lực của Bộ VH-TT-DL diễn ra trong bối cảnh cái nôi gia đình thời kinh tế thị trường mở cửa đang bị tác động mạnh mẽ, rung lắc, rạn nứt và thậm chí hẩm hiu. Cái tổ ấm thiêng liêng kia không còn là chốn đi về thường xuyên của người lớn; không còn nhiều tiếng cười khúc khích của trẻ thơ và những lời dạy dỗ chân tình của ông bà, cha mẹ đối với cháu con. Những giá trị truyền thống của gia đình cũng bị mai một. Không ai nói chính xác có bao nhiêu gia đình còn giữ được không khí ấm áp yêu thương hằng ngày trong mỗi bữa cơm? Chỉ có thể khái quát rằng hình ảnh đó không còn nhiều.
Chính vì sự rung lắc và rạn nứt đó mà những hiện tượng khác thường và đau lòng ngay trong gia đình xuất hiện dồn dập. Tôn ti trật tự đảo lộn; bạo lực và mất niềm tin đang dựa vào nhau. Những người thân yêu nhất trong một nhà đã vạch mặt nhau trước tòa án, thậm chí tước đi mạng sống của nhau chỉ vì tiền và những lợi ích nhỏ nhen khác. Dư luận há hốc, bàng hoàng! Các chuyên gia về xã hội và tâm lý không dễ dàng giải thích các hiện tượng táng tận lương tâm đó. Nó giống như sự dị dạng của một bào thai.
Có thể nói gia đình là một tổ chức đời sống cộng đồng của con người, một thiết chế văn hóa - xã hội đặc thù, một hình ảnh thu nhỏ cơ bản nhất của xã hội. Thế nên, các cá nhân không chỉ sống trong quan hệ gia đình mà còn có những quan hệ xã hội.
Vì vậy, khi bước ra xã hội từ những mái nhà héo hắt niềm tin đó, những công dân kia khó mà sống tử tế. Dư luận những năm gần đây liên tục lên tiếng về sự xuống cấp đạo đức xã hội, lối sống cùng những thói hư tật xấu đang diễn ra hằng ngày. Đó là tình trạng quan chức tham nhũng, là nạn thầy bán điểm, trò mua bằng, là những liên minh “ma quỷ” phục vụ lợi ích nhóm, là thói dối trá, ích kỷ, bệnh phô trương hình thức...
Tình trạng nêu trên rõ ràng là hệ quả của sự thiếu vắng mái ấm gia đình - nơi những lời giáo huấn ban đầu của cha mẹ được coi là nền móng để hình thành nhân cách. Các cuộc điều tra cho thấy rất nhiều thanh thiếu niên vi phạm pháp luật cho rằng sở dĩ họ phạm tội vì không được thương yêu, chăm sóc, bảo vệ trong gia đình.
Gia đình truyền thống Việt Nam từ bao đời đã kết tinh những tinh hoa văn hóa dân tộc như hiếu kính với ông bà, cha mẹ; anh em hòa thuận thương yêu nhau; vợ chồng thủy chung; trên kính dưới nhường; nhân ái, vị tha...
Lối sống thực dụng, tôn thờ đồng tiền đang làm cho con người sa đọa, tha hóa. “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” sẽ là dịp để ông bà, cha mẹ trao gửi cho con cháu các giá trị truyền thống, truyền dạy cho họ kỹ năng sống theo tinh thần “học ăn, học nói, học gói, học mở” phù hợp với nền nếp gia phong.
Bình luận (0)