Sông Ka Long những năm gần đây luôn là nơi tập kết hàng lậu từ Trung Quốc để đưa sang TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nhất là dịp giáp Tết. Năm nay, thay vì vận chuyển số lượng lớn, dân buôn lậu xé lẻ, chia nhỏ hàng hóa ra rồi đưa sang Móng Cái.
Thủ đoạn tinh vi
Dũng “khờ” - dân Nam Định, là cửu vạn chuyên xách hàng lậu thuê ở bên này sông Ka Long - cho biết tại các điểm tập kết hàng hóa bên kia biên giới như bến Lục Lầm, Vàng Lầy, hàng lậu được đưa xuống đò chờ sẵn. Chủ đò điều khiển phương tiện ra giữa dòng rồi chạy dọc sông Ka Long. Khi quan sát bên Quảng Ninh không thấy bóng dáng lực lượng chức năng, họ tấp đò vào bờ để cánh cửu vạn bốc hàng giấu vào bụi rậm, lùm cây. Sau đó, hàng lậu được tập kết về bến xe, chợ, nhà kho… rồi vận chuyển bằng nhiều phương tiện ra khỏi TP Móng Cái và tuồn sâu vào nội địa.
Theo Dũng “khờ”, sau vụ trùm buôn lậu vùng biên Thắng “cành” (tức Lương Quang Thắng) bị bắt giữ với lô hàng trị giá trên 20 tỉ đồng, các đầu nậu không dại gì tập kết, vận chuyển hàng hóa với số lượng lớn nữa. “Thay vào đó, đầu nậu ẩn vào “bóng tối”, khoán trắng cho cửu vạn đưa hàng qua Móng Cái, nếu bị bắt thì phải đền và cũng chỉ giao dịch, liên lạc qua điện thoại” - Dũng tiết lộ.
Quân “mù”, một cửu vạn khác tại Móng Cái, khẳng định hàng lậu có thể ra khỏi thành phố này bằng nhiều cách. “Thông thường, trước khi qua chốt chặn cuối cùng ở Móng Cái là Trạm Kiểm soát Km 15 - Bến tàu Dân Tiến, hàng lậu từ ô tô được chuyển xuống xe máy. Qua khỏi trạm, hàng lậu lại được đưa lên cất giấu trong hầm, vách của các loại xe container, xe tải nhỏ, xe khách chạy về Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nội, Nam Định… Cao tay hơn, một số đầu nậu còn sử dụng hóa đơn chứng từ bán hàng của các hộ kinh doanh tại Hà Cối (Quảng Ninh) để hợp thức hóa hồ sơ, qua mắt cơ quan chức năng” - Quân “mù” nói.
Theo ông Đậu Hùng Dương - Phó đội trưởng Đội Hải quan số 1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh - tình hình buôn lậu, gian lận thương mại những ngày giáp Tết diễn biến phức tạp, khó lường. Dân buôn lậu luôn tìm cách lợi dụng địa hình đường biên giới trải dài, sát khu dân cư có nhiều đường mòn, lối mở; lợi dụng sơ hở của lực lượng chức năng để đưa hàng hóa từ Trung Quốc vào nội địa tiêu thụ.
“Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu ngày càng ma mãnh, táo tợn. Các đầu nậu thường xuyên tổ chức người theo dõi lực lượng chức năng, lợi dụng đêm tối, thời điểm giao ca của các trạm, chốt rồi cho cửu vạn xé nhỏ hàng đưa sang Móng Cái. Cách đây không lâu, lực lượng chức năng phát hiện chiếc đò sắt chở hàng lậu từ khu vực Vàng Lầy vượt sông Ka Long sang Móng Cái. Anh em liền tổ chức bắt giữ nhưng chỉ mấy phút sau, vài chục đối tượng bất ngờ xuất hiện, cướp chiếc đò hàng đưa sang bên kia biên giới” - ông Dương nhớ lại.
Ông Dương còn bày tỏ lo ngại về tình trạng gần đây, một số hộ dân ở khu vực giáp ranh đường biên đã cho những kẻ buôn lậu mượn đất, nhà rồi rào kín cổng để chứa hàng chờ chuyển đi nơi khác. Khi lực lượng chức năng có đủ cơ sở, thủ tục pháp lý để đến kiểm tra thì các nhà kho này đã trống rỗng.
Biến tướng phức tạp
Theo một lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn, gần đây, buôn lậu đã biến tướng từ các phương thức trắng trợn sang gian lận thương mại, trốn thuế. “Chẳng hạn, nguồn hàng giả được các đối tượng đặt sản xuất ở Trung Quốc, sau đó nhập thành phẩm hoặc bán thành phẩm về nước rồi vô bao bì, lắp ráp, dán tem, nhãn giả và tung ra thị trường tiêu thụ. Dân buôn lậu còn có sự cấu kết chặt chẽ với nhau trong việc giao nhận hàng, như: hàng hóa từ các cửa khẩu, chính ngạch, tiểu ngạch được các đối tượng khai báo gian lận hải quan về số lượng, chủng loại để đối phó cơ quan chức năng” - vị này phân tích.
Những mặt hàng từ Trung Quốc như bột ngọt, bánh kẹo, đồ uống, thực phẩm chức năng, đông dược, tân dược, mỹ phẩm, đồ gia dụng, đồ điện tử, quần áo… luôn hấp dẫn dân buôn lậu do chênh lệch giá khá cao so với thị trường trong nước. Để vận chuyển hàng lậu, đầu nậu thường sử dụng những người lao động nghèo, khoán hẳn cho họ. Bởi lẽ, người nghèo thì càng cần kiếm tiền và nếu bị lực lượng chức năng bắt giữ, họ cũng dễ được “du di”.
“Các đầu nậu rất ít khi ra mặt. Việc mua bán được họ giao dịch bằng điện thoại với các đối tượng phía Trung Quốc. Nhiều đầu nậu còn thuê những kẻ có nhân thân phức tạp ở nơi khác đến vận chuyển, áp tải hàng về Việt Nam. Cánh đầu nậu thường sử dụng bộ đàm, điện thoại di động theo dõi chặt chẽ các lực lượng chống buôn lậu” - một cửu vạn “làm ăn” gần cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết.
Theo vị lãnh đạo Cục Hải quan tỉnh Lạng Sơn nêu trên, sau khi hàng lậu từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam, các chủ hàng sẽ gắn đầy đủ nhãn mác “Made in Việt Nam”, có tên cơ sở sản xuất, phiếu bảo hành do một công ty trong nước nào đó sản xuất. Sau đó, họ mua hóa đơn ở các cửa hàng kinh doanh hoặc doanh nghiệp để hợp thức hóa hàng lậu.
Kỳ tới: Chặn bắt không xuể
Bình luận (0)