Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk vừa có báo cáo gửi Cục Kiểm lâm thuộc Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) về kết quả xác minh thông tin các vụ phá rừng ở tỉnh này như Báo Người Lao Động đã phản ánh qua các bài viết: "Rừng bị phá, kiểm lâm nói không có gì", "Thoải mái… phá rừng"...
Cứ kiểm tra là phát hiện
Theo đó, tại huyện Ea Kar, việc phá rừng được xác định thuộc tiểu khu 692 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar quản lý. Qua kiểm tra phát hiện 14 cây gỗ bị chặt hạ trái phép. Trong đó có 6 cây đã bị cưa xẻ và lấy gỗ, 8 cây gỗ bị chặt hạ chưa cưa xẻ với khối lượng hơn 7,4 m3.
Rừng bị tàn phá nghiêm trọng trên địa bàn xã Krông Á, huyện M’Đrắk, tỉnh Đắk Lắk
Cũng tại tiểu khu này, cơ quan chức năng xác định có 1,6 ha rừng bị phá làm nương rẫy, thời điểm phá trước năm 2016. Phần diện tích rừng bị phá này thay thế bằng các rẫy bơ. Đáng nói là sau gần 2 năm xảy ra vụ phá rừng làm rẫy này, mãi đến ngày 15-7 vừa qua, Trạm Kiểm lâm địa bàn liên xã Cư Yang, UBND xã Cư Yang và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Kar mới kiểm tra, lập biên bản.
Tương tự, tại huyện M’Đrắk, hình ảnh xe công nông ngang nhiên chở gỗ rừng qua trụ sở xã xã Krông Á mà Báo Người Lao Động phản ánh trên số báo ra ngay 22-7 được xác định là gỗ khai thác trái phép tại khu vực cửa rừng tự nhiên thuộc thôn 7, xã Krông Á. Ngay sau đó, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra và lập biên bản 3 xe công nông chở gỗ từ xã Krông Á về tập kết tại xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) với khối lượng 6,166 m3 gỗ xẻ hộp.
Liên quan đến các hình ảnh, video thể hiện các hộp gỗ nằm ở bìa rừng, trong rừng mà báo chí phản ánh, báo cáo nêu từ ngày 21 đến 24-7, lực lượng chức năng đã tổ chức kiểm tra, xác minh nhưng chưa xác định được vị trí. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đoàn cũng phát hiện một số gốc cây, bìa gỗ đã khai thác còn sót lại tương đối giống với hình ảnh cung cấp. Ngoài ra, đoàn kiểm tra còn tổ chức kiểm tra một số vị trí phá rừng thuộc các tiểu khu 789, 765 do Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk quản lý. Qua đó, một số diện tích rừng tự nhiên bị tác động, suy giảm về trữ lượng rừng, một số bị phá trắng để lấy đất trồng keo lai, hoa màu.
Còn với các vụ phá rừng xảy ra tại huyện Ea Súp mà Báo Người Lao Động phản ánh qua bài viết "Rừng bị tàn phá, kiểm lâm nói không có gì" (số ra ngày 19-7), Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cũng đã phát hiện nhiều bãi tập kết gỗ, củi, nhiều diện tích rừng bị phá lấy đất sản xuất tại địa phương này.
Tái diễn nghiêm trọng
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, để xảy ra tình trạng phá rừng như báo chí phản ánh thời gian qua, trách nhiệm trước hết thuộc về chủ rừng là các công ty lâm nghiệp, doanh nghiệp được nhà nước cho thuê rừng và đất rừng để lập dự án.
Các đơn vị này chưa làm tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, chính quyền cấp xã có chức năng quản lý nhà nước về rừng, đất lâm nghiệp nhưng trách nhiệm chỉ đạo phối hợp, giám sát hoạt động lâm nghiệp trên địa bàn xã chưa tốt, đặc biệt là trong việc kiểm tra, ngăn chặn, truy quét các trọng điểm phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép. "Chúng tôi sẽ tham mưu trình UBND tỉnh có biện pháp chấn chỉnh, xử lý tình trạng để phá rừng như báo chí phản ánh" - ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh.
Đáng nói là trong khi cơ quan chức năng chưa xử lý cá nhân, tổ chức buông lỏng quản lý rừng thì ngày 2-8, phóng viên Báo Người Lao Động trở lại tiểu khu 293 (xã Cư M’lan, huyện Ea Súp) và chứng kiến tình trạng phá rừng vẫn tiếp diễn nghiêm trọng. Cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang, chảy nhựa, lá còn xanh. Lần theo vết xe, chúng tôi bắt gặp hàng chục điểm tập kết gỗ nằm ven các trục đường trong rừng, trong đó nhiều điểm tập kết gần Quốc lộ 29, rất dễ phát hiện. Theo một người dân, thời gian gần đây, mỗi ngày có khoảng 10-15 người mang theo cưa máy tới cắt gỗ tập kết thành từng đống trên tiểu khu 293 này.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Ea Súp xảy ra nghiêm trọng. Diện tích rừng bị phá trong 6 tháng đầu năm 2017 là 131 ha. Cũng trong 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Đắk Lắk đã xử lý 709 vụ vi phạm lâm luật, tăng 57 vụ so cùng kỳ năm 2016.
Điều tra vụ phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng
Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang phối hợp với các cơ quan chức năng huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình điều tra và xử lý vụ việc nhóm người khai thác gỗ trái phép ở rừng Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hiện trường vụ phá rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. (Ảnh do Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cung cấp)
Trước đó, ngày 30-7, lực lượng kiểm lâm của Trạm Kiểm lâm Thượng Hóa thuộc Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và Đồn Biên phòng Cà Xèng phát hiện một nhóm người đang dùng máy cưa xẻ gỗ tại khu vực hang Bố (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa). Khi thấy lực lượng chức năng, nhóm người này đã bỏ chạy vào rừng. Tổ công tác thu giữ 2 máy cưa, 10 lóng gỗ, trong đó có 2 lóng đã được xẻ thành 4 khúc.
Sau khi nhóm lâm tặc trốn chạy, tổ công tác đã bắt được một người tên Cao Tiến Phương (SN 1984; ngụ xã Hóa Sơn, huyện Minh Hóa). Phương khai cùng 5 thanh niên trong xã Hóa Sơn gồm: Cao Tư, Cao Lan, Cao Tới, Cao Lê (cùng SN 1992) và Cao Lục (SN 1986) vào rừng dùng cưa khai thác 2 cây gỗ.
M.TUẤN
Bình luận (0)