Tiếp theo chương trình nghị trường kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) khóa XIV, sáng 25-10, QH thảo luận ở hội trường dự án Luật về Hội. Theo báo cáo của Bộ Nội vụ, hiện cả nước có khoảng 63.000 hội có đăng ký và đang hoạt động.
Không làm thay cơ quan nhà nước
Dự thảo trình QH quy định một trong các trường hợp bị hạn chế quyền thành lập và tham gia hội là “cán bộ, công chức chưa được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức”. Bởi để thực hiện tốt chức trách của mình thì cán bộ, công chức cũng phải chịu sự hạn chế nhất định khi thực hiện quyền lập hội nhằm không ảnh hưởng đến việc thực thi công vụ, bảo đảm tính độc lập, khách quan hoạt động quản lý nhà nước.
Dự thảo đưa ra 2 hình thức hội: Một là, hội có đăng ký và có tư cách pháp nhân do Luật về Hội điều chỉnh. Hai là, hội do công dân Việt Nam thành lập nhằm mục đích gặp gỡ, giao lưu không phải đăng ký, không có tư cách pháp nhân và không chịu sự điều chỉnh của Luật về Hội.
Giải trình về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng theo quy định tại điều 25 của Hiến pháp, công dân có quyền lập hội nhưng việc thực hiện quyền này do pháp luật quy định. Vì vậy, điều 11 của dự thảo quy định công dân thành lập hội phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền là phù hợp với Hiến pháp.
Đại biểu (ĐB) Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) lưu ý cần quy định rõ: “Không cho phép các hội làm những việc thuộc thẩm quyền của cơ quan quản lý nhà nước, mà bài học về việc Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VINASTAS) đứng ra công bố về asen trong nước mắm truyền thống vừa qua là ví dụ”.
Mở rộng quyền lập hội
Theo ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai), nên mở rộng quyền cho người dân lập hội. Điều quan trọng nhất là phải nhìn vào quyền lập hội của người dân, làm sao để phát huy, thúc đẩy các mặt tích cực. “Chúng ta đã có trải nghiệm lịch sử. Trong truyền thống Việt Nam, cha ông chúng ta đã dựa chủ yếu vào các mối quan hệ hội hè, làng xã. Từ cưới xin, xây nhà cửa, vay mượn tiền bạc đều trong mối quan hệ ấy. Khi cách mạng, chúng ta đều lấy tên các tổ chức cách mạng là hội. Luật làm sao gắn kết cộng đồng lại, hướng tới mục đích tích cực” - ĐB Dương Trung Quốc phân tích.
Đồng tình quan điểm trên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng việc thành lập hội là một trong những quyền cơ bản của công dân. Nhiều nội dung của dự thảo đã được các ĐB đề nghị bổ sung, sửa đổi, thậm chí bỏ đi cho phù hợp với xu hướng phát triển cũng như quy định trong hội nhập quốc tế và tạo điều kiện hoạt động thực tiễn tốt hơn.
Ông Lê Vĩnh Tân đánh giá các ý kiến của ĐB và tổ chức góp ý là xác đáng, đúng thực tiễn, phù hợp xu hướng phát triển chung của đất nước. “Đề nghị QH xem xét để ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu thật chu đáo, đầy đủ, tạo sự đồng thuận cao thì mới thông qua. Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban Pháp luật của QH hoàn chỉnh và trình dự thảo trong kỳ họp sau” - Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị.
Có nên nhận tài trợ nước ngoài?
Khoản 5, điều 8 của dự thảo Luật về Hội quy định: “Hội không liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, không nhận tài trợ nước ngoài; trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định”. Ủy ban Thường vụ QH lý giải việc này nhằm phòng ngừa việc lợi dụng liên kết, gia nhập các hội nước ngoài, nhận tài trợ nước ngoài để hoạt động trái pháp luật, chống phá nhà nước và chế độ, làm ảnh hưởng đến cuộc sống bình yên của nhân dân.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho rằng nên cân nhắc quy định không liên kết, gia nhập và nhận tài trợ từ nước ngoài cho phù hợp với điều kiện thực tiễn cuộc sống vì có một số hội vẫn nhận tài trợ từ nước ngoài như Hội Chữ thập đỏ Việt Nam...
Bình luận (0)