Báo cáo cập nhật Kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố hôm 5-10 đã đánh giá hoạt động kinh tế Việt Nam trong năm 2015 sôi nổi nhờ cầu khu vực tư nhân tăng.
Báo cáo đưa ra dự kiến tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt trên 6% trong năm 2015 nhờ cầu trong nước mạnh, qua đó phản ánh tăng trưởng tiêu dùng cá nhân và đầu tư. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách (tính cả trả nợ gốc) dự tính chiếm 5,6% GDP trong nửa đầu năm 2015. Hiệu quả thu ngân sách kém trong khi chi thường xuyên và chi đầu tư cơ bản tăng. Tổng nợ công và nợ do Chính phủ bảo lãnh tiếp tục tăng và đạt mức 59,6% trong năm 2014. Tuy nợ công vẫn nằm trong giới hạn bền vững nhưng chi phí trả nợ đã bắt đầu ăn vào các khoản chi hỗ trợ sản xuất khác trong ngân sách.
Ông Sandeep Mahajan, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam, nhận định: “Mặc dù tác động cụ thể thế nào còn phụ thuộc vào kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) song nhìn chung, những tác động TPP tới Việt Nam là khá tích cực, sẽ liên quan đến khoảng 8%-10% của GDP đến năm 2030. Mức tăng có thể còn cao hơn. Điều này tùy thuộc trong thỏa thuận nội dung của TPP và cả cải cách ở Việt Nam”.
Theo ông Mahajan, Việt Nam cần cải cách ở ngành ngân hàng do mức nợ xấu còn khá cao. Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã và đang tích lũy, chuyển nợ xấu từ ngân hàng vào bảng cân đối tài sản của mình trong 2 năm qua và đang điều hành một lượng tài sản lên đến hàng ngàn tỉ đồng.
“Tuy nhiên, chúng ta cần tìm các cơ chế dựa trên thị trường nhằm giải quyết những khoản nợ xấu này để có thể định giá và bán nợ xấu một cách phù hợp, được thị trường chấp nhận. Bên cạnh đó, cần những cải cách về mặt pháp lý như cải cách luật về phá sản, nếu không thì VAMC không đạt được mục tiêu đã đặt ra” - ông Mahajan đánh giá.
Chuyên gia kinh tế WB khuyến cáo Việt Nam rất cần cải cách các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch cổ phần hóa của quốc gia và tạo ra một sân chơi công bằng, bình đẳng cho tất cả doanh nghiệp. Ngoài ra, những thể chế về thị trường, quyền sở hữu tài sản cá nhân là những lĩnh vực cải cách tiềm năng trong tương lai để có thể cải cách hơn nữa tăng trưởng của Việt Nam.
Bình luận (0)