Các số liệu từ Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam 2010 cho thấy nguồn nhân lực thấp thực sự là một thách thức có tính chất sống còn khi mà năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 14,9% của Singapore, 9% của Mỹ, 40% so với Thái Lan và chỉ bằng 52,6% của Trung Quốc.
Một cuộc cải cách giáo dục đã đủ cơ sở để tiến hành khi Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 (Nghị quyết 29) đã ra đời và Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) đang được Bộ GD-ĐT hoàn thiện để triển khai. Đề án có nhiều nội dung nhưng vấn đề quan trọng nhận được sự nhất trí cao từ nhiều chuyên gia giáo dục là muốn làm một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục phải bắt đầu đổi mới triệt để từ các trường sư phạm. Những “cỗ máy cái” này phải cực kỳ hoàn thiện mới có thể đào tạo nên một nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong thời gian qua, ngành sư phạm đã nhận được nhiều ưu ái từ nhà nước như chế độ miễn giảm học phí cho sinh viên nhưng chính sách này chỉ thu hút được sinh viên nghèo, còn sinh viên giỏi chẳng mấy lưu tâm. Chất lượng đầu vào của sinh viên sư phạm vẫn thấp, đa số chỉ đạt điểm sàn, kể cả những trường sư phạm trọng điểm, có truyền thống.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là quy hoạch lại hệ thống trường sư phạm. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện cả nước có 133 cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, 14 trường đại học sư phạm và 40 trường cao đẳng sư phạm. Hệ thống này đang bị lỗi nghiêm trọng khi mà gần như tỉnh nào cũng có cơ sở đào tạo sư phạm. Hệ thống trung cấp và cao đẳng sư phạm vẫn tồn tại dù việc đào tạo hệ này đã lạc hậu so với yêu cầu của xã hội khi đa số giáo viên cấp 1, 2 đều có bằng đại học, thậm chí có bằng thạc sĩ. Đó là chưa kể nhiều trường đại học đa ngành đều có khoa sư phạm, nhiều cử nhân các trường đại học khác chỉ cần 6 tháng lấy chứng chỉ sư phạm là có thể đi dạy.
Một hệ thống đào tạo sư phạm như vậy làm sao cho ra những nhân lực có chất lượng? Do vậy, cần quy hoạch theo hướng thu gọn lại hệ thống đào tạo sư phạm để có đủ cơ sở vật chất hoàn chỉnh, một đội ngũ giảng viên chất lượng, đổi mới phương pháp đào tạo và tập trung xây dựng các trường trọng điểm đào tạo giáo viên cho các địa phương.
Vị trí người thầy đang xuống thấp cũng là một thách thức lớn khi mà đồng lương không đủ nuôi sống họ, cơ hội học tập, cơ hội thăng tiến trong ngành sư phạm quá hạn chế. Những thách thức đó làm hạn chế chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, cần phải được giải quyết đồng bộ.
Có thể nói chìa khóa của cuộc cách mạng giáo dục sắp được triển khai là phải đổi mới triệt để từ ngành sư phạm. Nếu bỏ qua khâu này, coi như cuộc đổi mới một lần nữa sẽ thất bại.
Bình luận (0)