Nhiều loại phí vô lý, buồn cười. Đó là cảm nhận của nhiều người khi Quốc hội (QH) thảo luận tổ về dự thảo Luật Phí và Lệ phí vào sáng 29-5.
Người dân đóng hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm
Theo đánh giá của Ban Soạn thảo nghiên cứu, xây dựng dự án Luật Phí và Lệ phí, qua 13 năm triển khai thực hiện Pháp lệnh Phí và Lệ phí (hiệu lực từ ngày 1-1-2002), cơ bản đã đạt được các yêu cầu đề ra khi ban hành pháp lệnh, cụ thể: Hệ thống văn bản được ban hành kịp thời, đồng bộ, đúng thẩm quyền, tạo khung pháp lý rõ ràng, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định về phí, lệ phí; công tác tổ chức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí đã được công khai, minh bạch, góp phần cải cách thủ tục hành chính; cơ chế quản lý phí, lệ phí được đổi mới theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công, tạo cơ chế chủ động cho đơn vị thu phí, lệ phí, từ đó phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ quan, đơn vị thu, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ công.
Việc thu phí và lệ phí cũng đã tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Thông qua phí và lệ phí, năm 2012, ngân sách thu được 29.112 tỉ đồng (bằng 3,9% tổng thu); năm 2013 là 31.271 tỉ đồng (bằng 3,8% tổng thu) và năm 2014 là 33.271 tỉ đồng (bằng 3,99% tổng thu).
Rà soát để dẹp bỏ
Tuy nhiên, theo ban soạn thảo, một số quy định về phí, lệ phí không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Một số dịch vụ công do cùng cơ quan cung cấp nhưng quy định thu 2 khoản (chẳng hạn như phí thẩm định bù đắp chi phí cho việc thẩm định và lệ phí cấp giấy phép) làm tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí thu nộp cho cả cơ quan thu và người nộp nên cần gộp thành 1 khoản thu. Ngoài ra, còn có tình trạng phí chồng phí, thậm chí có loại phí rất vô lý, cần rà soát để hoàn thiện về pháp lý nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia cung cấp dịch vụ công, nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp.
Cụ thể, một số khoản phí đã và đang chuyển sang cơ chế giá theo quy định của luật chuyên ngành (đặc biệt là một số khoản phí có tác động lớn đến người dân như học phí, viện phí, phí kiểm định phương tiện đo lường...); một số khoản phí có tên trong danh mục nhưng chưa phát sinh; một số khoản phí trùng lắp với khoản thu khác cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện danh mục phí, để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay và trong những năm tới. Chẳng hạn 2 khoản phí an ninh trật tự và phòng chống thiên tai thì theo quy định, tổ chức, cá nhân phải nộp Quỹ Phòng chống thiên tai và Quỹ An ninh trật tự nên cần bỏ khỏi danh mục phí. Hay như phí xây dựng, Chính phủ đã ban hành quy định miễn thu phí xây dựng từ ngày 1-2-2011...
Cùng với đó, để bảo đảm thống nhất trong quản lý, một số khoản phí được đề nghị bổ sung vào danh mục do trong thời gian qua một số luật chuyên ngành đã được ban hành có quy định thu một số khoản phí (ngoài các khoản phí quy định tại danh mục kèm Pháp lệnh Phí và Lệ phí), chẳng hạn phí công chứng (Luật Công chứng), phí bay qua vùng trời (Luật Hàng không dân dụng)...
Ông Nguyễn Ngọc Ngân (ngụ quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng):
Hoa mắt với phí thu vô lý
Hiện người dân phải đóng nhiều khoản phí và lệ phí, cả bắt buộc lẫn tự nguyện. Đơn cử như phí thu xe máy, mỗi năm gia đình tôi phải đóng gần 1 triệu đồng vì mỗi người có mỗi xe riêng.
Các loại quỹ như an ninh quốc phòng, vì người nghèo... theo quy định là dân tự nguyện nhưng thực tế ai cũng phải đóng bởi tổ trưởng dân phố đến từng nhà bắt nộp thì làm sao không đóng được. Nhiều phường, xã còn giao chỉ tiêu cho tổ trưởng dân phố, lấy số tiền thu được làm chỉ tiêu thi đua nên cứ thế “đè đầu” người dân ra thu. Điều này gây bất bình không ít đối với nhiều người. Nhiều lúc chúng tôi hoa mắt với các loại phí vô lý. Chính vì thế, QH nên đề xuất làm thế nào để các loại phí và lệ phí được quy định một cách cụ thể và rõ ràng. Phí nào nên thu với mục đích gì và thu ra sao. Dân ta còn nghèo nên trước khi quy định thu phí phải cân nhắc cho kỹ, đừng để dân thiệt thòi.
Bà Ngô Thị Kim Vui, nguyên Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Yên:
Hảo tâm nhưng như bắt buộc
Việc nhiều khoản thu tự nguyện được các địa phương “đẻ” ra, tôi cho rằng xuất phát từ tình hình tài chính địa phương, thường được áp dụng khi một doanh nghiệp nào đó đến hoạt động tại địa phương hoặc một cá nhân nào đấy đến mua đất xây dựng thì địa phương huy động để họ tự nguyện đóng góp xây dựng địa phương (như xây dựng trường học, đường sá). Các khoản phí này là tùy hảo tâm, không bắt buộc, không có định mức cụ thể nên không theo khuôn mẫu nào hết, cũng không nằm trong danh mục các loại phí được ban hành. Tuy nhiên, việc này đang bị lạm dụng. Hảo tâm nhưng như bắt buộc, không đóng là không được vì sợ địa phương gây khó dễ nhưng đóng thì bao nhiêu, chẳng có con số cụ thể nên gây khó khăn cho người đến địa phương đó ở, làm ăn. Nhưng bảo địa phương thu phí như thế là sai thì cũng không đúng, vì đâu có quy định nào về thu phí tự nguyện? Tôi nghĩ nên bỏ những phí tự nguyện như thế đi.
Ông Nguyễn Xuyến, cán bộ hưu trí phường Trường An (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế):
Cần luật hóa
Một số loại phí như phí bảo trì đường bộ là vô lý, nhiều người thắc mắc là rất đúng. Thực tế tại các khu dân cư, xã, phường, quận, huyện có rất nhiều khoản phí hoặc đóng góp “tự nguyện” không nhiều so với người khá giả nhưng với gia đình khó khăn thì là một vấn đề. Người dân nhiều nơi cảm thấy cán bộ xã, tổ dân phố chỉ quan hệ với dân khi thu một khoản phí nào đó dù chưa hẳn nằm trong luật mà chỉ do địa phương “đẻ” ra, nhiều lúc thu thường xuyên nên người dân cảm thấy phiền hà. Cho nên, cần luật hóa về phí và lệ phí, chỉ có QH mới ban hành để tránh tình trạng tỉnh, huyện tự sinh ra nhiều loại thu như hiện nay. Luật cũng phải quy định trách nhiệm và chế tài xử lý rõ ràng.
B.Vân - H.Ánh - Q.Nhật ghi
Dân kêu rất nhiều!
Đại biểu (ĐB) QH Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng trước hết phải phân biệt thế nào là phí, thế nào là lệ phí bằng khái niệm rõ ràng để rà soát xem vùng nào, địa phương nào, lĩnh vực nào mà phí và lệ phí chồng chéo thì phải giảm, quy định lại. Hiện nay, hiện tượng phí chồng phí dân kêu rất nhiều nên phải quy định rõ trách nhiệm từng vùng, từng mảng và nên quy vào một đầu mối quản lý. Ví dụ, liên quan đến các phương tiện dùng xăng dầu thì nên đánh vào xăng dầu. Như vậy, sẽ khắc phục được tình trạng bội thu, dân không phải gánh nhiều phí và bộ máy hành chính bớt cồng kềnh.
Bà An cũng nhấn mạnh đến việc phí phải thu nộp 100% cho ngân sách nhà nước, tránh khoán theo đầu công việc vì cán bộ, công chức, viên chức là như nhau, ai cũng phải làm việc và được trả lương sao phải để lại phần trăm phí để “nuôi” bộ máy thu phí. Làm như vậy vừa đánh giá thấp những người này và không cân bằng với những cán bộ, công chức, viên chức khác. Cho nên, phải tuyệt đối tránh để lại phần trăm. Còn về phí kiểm định chất thải xe máy mà Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra, tôi nghĩ cần lắng nghe ý kiến của nhân dân.
Nhìn từ một góc độ khác, ĐBQH Võ Thị Dung (TP HCM) lưu ý phí, lệ phí liên quan trực tiếp đến người dân. Vì thế, dự thảo Luật Phí và Lệ phí nên để người dân với vai trò và quyền của mình tham gia vào việc góp ý, giám sát. Người dân vừa là chủ thể vừa thực hiện thi hành nhưng đồng thời là người có trách nhiệm tham gia đóng góp vào phí và lệ phí. Trong quá trình xác định mức phí nên phân cấp mạnh cho HĐND
các cấp.
ĐBQH Trần Du Lịch (TP HCM) bày tỏ băn khoăn khi nói: “Dự thảo Luật Phí và Lệ phí có nhiều điều chưa ổn. Ví dụ nguyên tắc xác định mức thu phí phải bảo đảm bù đắp chi phí và thu hồi, có lợi là bất hợp lý. Nhà nước ở đâu, có nhà nước để làm gì mà để nguyên tắc như vậy. Những dịch vụ mà nhà nước phải cung cấp cho dân thì chỉ thu một phần nào đó để bù đắp thôi, phần còn lại nhà nước phải lo, dân đã đóng thuế rồi. Loại nào là dịch vụ công, nhà nước cung cấp mà người dân trả tiền thì xã hội hóa ai làm cũng được (như công chứng, thừa phát lại...). Nhà nước là không bàn lợi nhuận, vì như thế không phải nhà nước nữa. Việc gì là trách nhiệm nhà nước phải làm cho dân thì thu phí là để chia sẻ một phần và cơ quan được giao trách nhiệm phải làm chứ đừng bàn chuyện phải thu bao nhiêu mới làm. Việc nào có thể xã hội hóa được, có thể lấy thu bù chi và có lãi thì xã hội hóa bớt chứ để cơ quan nhà nước làm làm gì. Như vậy là không có tư tưởng xã hội hóa gì hết, vẫn cứ nghĩ là thu tiền của dân”.
Cũng theo ĐB này, dự luật chưa quy định cụ thể cho việc thu phí khu vực công và tư. Ví dụ bệnh viện công thì nhà nước quyết nhưng bệnh viện tư thì ai quyết để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tư và công, bên quy định bên không thì phải như thế nào.
Phan Anh
Bình luận (0)