Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết trên địa bàn hiện có 25 nhà máy sản xuất hóa dược đạt chuẩn GMP-WHO trong 127 nhà máy trên cả nước (trong đó 123 nhà máy GMP tân dược và 4 nhà máy vắc-xin). Về kinh doanh, tại TP có 1.033 công ty phân phối và hơn 5.400 nhà thuốc, đại lý thuốc.
Đại diện các doanh nghiệp (DN) cho rằng việc đầu tư lĩnh vực hóa dược đã khó, nguyên liệu cho lĩnh vực này càng khó hơn. Trong đó, rào cản lớn nhất trong việc phát triển ngành hóa dược, ngoài quỹ đất để mở nhà máy, yếu tố sống còn là nguồn vốn. “TP bảo hỗ trợ DN vay kích cầu để đầu tư nhưng thủ tục lên đến ngân hàng thì bị chặn lại vì DN không có tài sản thế chấp. Muốn phát triển ngành hóa dược, không thể tay không bắt giặc” - một DN bày tỏ.
Theo bà Lan, hiện các nhà máy hóa dược hoạt động chưa quá 50% công suất. Tuy được xác định là ngành mũi nhọn nhưng cơ chế hỗ trợ DN hóa dược chưa rõ ràng, DN tự bươn chải là chính.
Ông Phạm Văn Đông, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP, cho rằng TP đầu tư cho y tế là rất lớn. Trong khi lĩnh vực y đã phát triển thì hóa dược vẫn chưa xác định được chỗ đứng. Vì vậy, ngành y tế phải xác định lĩnh vực hóa dược đang ở đâu, cần làm cái gì để có tiếng nói chung cho sự phát triển.
* Chiều cùng ngày, HĐND TP HCM đã có buổi giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại huyện Cần Giờ. Theo báo các của huyện Cần Giờ, ý thức tự vươn lên của người dân kém khiến chính sách giảm nghèo không hiệu quả, hộ nghèo ở đây vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Bà Trương Thị Ánh - Phó Chủ tịch HĐND TP HCM, trưởng đoàn giám sát - đánh giá công tác đào tạo nghề của huyện Cần Giờ chưa hiệu quả khi mới đạt tỉ lệ trên 24% .
Bình luận (0)