xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cần giới hạn trường hợp thu hồi đất

THẾ DŨNG

Dù Luật Đất đai quy định giá đất phải sát thị trường nhưng thủ tục đề ra giá này còn thiếu minh bạch, tạo kẽ hở cho một số kẻ trục lợi trong khi dân thiệt đơn thiệt kép

Ngày 22-11, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các vấn đề quy định về thu hồi đất, giá bồi thường đất, quy hoạch - kế hoạch sử dụng đất… được nhiều đại biểu (ĐB) QH quan tâm.

Gắn chặt trách nhiệm địa phương

Mặc dù đây là phiên thảo luận tại hội trường thứ hai trong kỳ họp này nhưng nhiều ĐBQH vẫn không đồng tình hoặc tỏ ra băn khoăn trước dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) nói: “Nếu dùng cụm từ “thu hồi đất” như dự luật là không thận trọng, ban soạn thảo nên cân nhắc kỹ hơn”. Ông Việt phân tích thu hồi đất chỉ phù hợp trong các trường hợp vi phạm pháp luật, còn ở đây, người dân hiến đất làm công trình và nhà nước tiếp nhận đất.

Tán đồng, ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị dự luật cần quy định cụ thể, chi tiết các dạng dự án được thu hồi đất, tránh lãng phí để tài nguyên đất rơi vào túi lợi ích nhóm. Dù đồng ý với ban soạn thảo về quy định thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng ĐB Lê Trọng Sang (TP HCM) cảnh báo: “Nếu cứ quy định thu hồi đất theo cơ chế 2 giá thì vẫn còn khiếu kiện đất đai. Cần thu hẹp đối tượng dự án kinh tế - xã hội được thu hồi đất để hạn chế tối đa tình trạng lạm dụng, gây thêm khiếu kiện”.
img
ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị dự luật cần quy định cụ thể các dạng dự án được thu hồi đất Ảnh: HOÀNG BẮC

Trong khi đó, một số ĐB tỏ ra băn khoăn khi tất cả dự án đều thu hồi đất theo cơ chế hành chính và kiến nghị cần quy định cụ thể những trường hợp nhà đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất khi thu hồi. Phó trưởng Đoàn ĐBQH Đồng Nai, ông Trương Văn Vở, kiến nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cá nhân đối với lãnh đạo chính quyền địa phương khi thu hồi đất để khắc phục 4 sai phạm phổ biến hiện nay (sai quy hoạch, sai thẩm quyền, sai quy định, sai đối tượng).

Giá bồi thường phải cụ thể

Cho rằng nguyên tắc bồi thường đất trong dự luật chưa sát, dễ nảy sinh tiêu cực và khiếu nại đất đai, ĐB Nguyễn Bắc Việt đề nghị dự luật nên quy định phương án bồi thường nào có lợi cho dân nhất thì thực hiện. Cũng theo ông Việt, rất cần thiết có sự tham gia của các đoàn thể, tổ chức xã hội trong giám sát việc bồi thường bởi đây là khâu dễ nảy sinh tiêu cực, khiếu kiện.

Theo ĐB La Ngọc Thoáng (Cao Bằng), quy định “giá đất phải sát thị trường” có từ Luật Đất đai 2003 nhưng thủ tục tìm ra giá này lại chưa minh bạch, tạo kẽ hở cho một số kẻ làm giàu nhanh chóng trong khi dân thiệt đơn thiệt kép. “Khái niệm “giá đất phổ biến trên thị trường” quy định trong dự luật cũng chỉ thay câu, chữ, chưa có thay đổi mang tính đột phá. Vì thế, cần quy định bắt buộc có tư vấn định giá đất để hạn chế sự tùy tiện của cơ quan quản lý trong xác định giá đất” - ông Thoáng hiến kế. Cùng với đó, trình tự, thủ tục xác định giá đất cũng phải làm rõ. Không để tái diễn tình trạng tiền đền bù không mua nổi suất đất tái định cư.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nhận định: Khái niệm “giá thị trường” rất mơ hồ và thực tế cho thấy giá bồi thường chưa khi nào khớp với giá “tiền tươi thóc thật” trên thị trường dẫn tới khiếu nại phức tạp. Vì vậy, cần có những tổ chức định giá độc lập để đưa ra giá phù hợp với thị trường, khách quan và trung thực, bảo đảm quyền lợi các bên liên quan. Trường hợp giá đất biến động lớn thì giá bồi thường cũng phải điều chỉnh.

Lấy ý kiến người dân về quy hoạch đất

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cho rằng dự luật cần bổ sung quy định vai trò cấp huyện trong việc lấy ý kiến người dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. “Đất đai sở hữu toàn dân nên cần người dân tham gia quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất xác đáng; góp phần tập trung ý kiến, sáng tạo của người dân đồng thời tránh được thiệt hại cho dân khi không nắm được khu vực đất quy hoạch như “cò” đất” - ông Phương bày tỏ.

Cùng vấn đề này, ĐB Phạm Trường Dân (Quảng Nam) kiến nghị bổ sung chế tài mạnh hơn đối với dự án treo, bỏ đất hoang hóa. ĐB Phạm Trường Dân nhìn nhận: “Nhiều dự án sau khi xây dựng, tường rào bịt kín, để cỏ mọc trong nhiều năm nhằm mục đích bán dự án kiếm lời mà không cần đầu tư. Vì thế, với dạng dự án này, phải kiên quyết thu hồi, không bồi thường. Nếu chủ đầu tư không chấp hành, sẽ cưỡng chế thu hồi theo luật định”. ĐB Huỳnh Nghĩa tán đồng ý kiến trên và góp ý dự luật quy định “không bồi thường khi thu hồi đất vi phạm” nhằm tăng hiệu quả sử dụng đất và hạn chế nạn “ôm” đất để đầu cơ.

ĐB Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định việc quy hoạch treo làm lãng phí rất lớn, gây bức xúc trong cử tri. Vì vậy, dự luật cần khẳng định dứt khoát thời hạn quy hoạch sử dụng đất. “Quy định thời hạn quy hoạch đất nên theo hướng 10 năm để chấm dứt tình trạng “đủng đỉnh” khi thực hiện quy hoạch đất đai” - ông Tám nói.

Trước nhiều nội dung còn chưa rõ ràng, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị: “Dự luật còn nhiều nội dung cần trao đổi, điều chỉnh. Đề nghị QH nghiên cứu thông qua dự luật vào kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2014 - PV)”.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo