Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 501 về việc thí điểm tổ chức Diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội?
- Ông Vũ Mão: Đây là ý tưởng, chủ trương tốt, rất hữu ích cho đất nước và hướng đến xã hội dân sự. Việc này rất đúng hướng.
Thời gian qua, đã có nhiều phản biện rất hữu ích đối với những vấn đề lớn của đất nước, như thủy điện Đồng Nai 6-6A, bauxite, thay thế cây xanh ở Hà Nội, lấp sông ở Đồng Nai… Tuy nhiên, có phản biện được tiếp thu đầy đủ nhưng có cái tiếp thu nửa vời hoặc bị bỏ qua. Vậy phản biện đã tác động như thế nào đến các chủ trương, chính sách và đề án lớn của nhà nước?
- Chủ trương lập diễn đàn là rất đúng nhưng để “đầu ra” của phản biện thật sự đến đúng địa chỉ và được tiếp thu nghiêm túc thì cần thảo luận, bàn bạc thấu đáo để xác định rõ trách nhiệm tiếp thu là ai và cơ chế tiếp thu ra sao. Theo tôi, đây là vấn đề của xã hội phát triển nên cần nâng tầm cao hơn về cơ sở pháp lý, quy trình thủ tục. Thủ tướng có thể báo cáo ý tưởng này lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cần thiết thì ban hành một văn bản pháp luật về vấn đề phản biện ở tầm nhà nước, chứ không dừng lại ở phạm vi quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tối thiểu là văn bản pháp quy của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tốt hơn là ở tầm Quốc hội.
Nếu luật hóa, sẽ làm rõ vai trò, trách nhiệm của người phản biện, nơi tổ chức diễn đàn và tiếp nhận phản biện; cơ quan tiếp thu và trao đổi lại những vấn đề chưa thể tiếp thu trong các phản biện hay quy chế tài chính hỗ trợ, đầu tư cho những phản biện tốt phải dày công nghiên cứu… Nếu là phản biện từ các cơ quan chính thống như Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội (VASS), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ (VAST), Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thì còn có kinh phí nghiên cứu, trong khi các tổ chức, cá nhân thì kinh phí phải tự túc hoặc vận động.
Vậy để việc phản biện được tiếp thu đầy đủ, tránh hình thức, theo ông có cần cơ chế giám sát?
- Việc này là cần thiết và để giám sát tốt thì trước tiên cần có cơ chế pháp lý. Bộ Chính trị đã giao MTTQ Việt Nam tham gia phản biện và tôi cũng góp ý là cần có văn bản pháp lý về vấn đề này để phản biện hiệu quả hơn. Vì chủ trương chung là muốn khơi dậy tinh thần phản biện thì có thể nhập diễn đàn với nhiệm vụ phản biện của MTTQ để nâng lên tầm quốc gia, hướng tới việc có thể xây dựng Luật Phản biện.
Việc thí điểm giao cho VASS, VAST và VUSTA tổ chức các diễn đàn, theo ông có hợp lý?
- Việc tiếp nhận phản biện hướng đến lắng nghe toàn bộ ý kiến người dân và cả cá nhân, tổ chức nước ngoài thì tại sao chỉ gói gọn trong 3 cơ quan tổ chức diễn đàn và chỉ có các nhà khoa học chuyên nghiệp mới được tham gia phản biện. Không chỉ các nhà khoa học chuyên nghiệp, trong thực tế, người dân, các nhà quản lý đã có nhiều phản biện rất hữu ích đối với những vấn đề lớn của đất nước.
Như tôi vừa nói, chủ trương là tốt thì nhà nước cần mạnh dạn mở rộng diễn đàn ra mọi tầng lớp của xã hội. Đặc biệt các vị hưu trí, cựu lãnh đạo, nhà quản lý...
Hết sức cần thiết
GS-TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch VAST, cho rằng việc tổ chức diễn đàn khoa học chuyên nghiệp của trí thức khi tham gia hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội các chủ trương, chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hoạt động này cần được bàn bạc để hướng tới một cách thức hoạt động mới, dân chủ và đạt hiệu quả cao nhất.
Bình luận (0)