Sáng 23-2, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì hội nghị trực tuyến với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và các địa phương về tăng cường công tác phòng chống dịch cúm ở người và phòng chống dịch sởi.
Nguy cơ rất gần!
Theo Bộ Y tế, dịch cúm gia cầm trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều chủng virus cúm A khác nhau được ghi nhận như H5N1, H7N9, H5N2, H5N8, H10N8… Trong đó, diễn biến phức tạp nhất là dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc, từ đầu năm 2014 đến nay có 208 trường hợp mắc mới, 20 ca tử vong; số ca mắc bệnh hiện có chiều hướng tăng nhanh.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế, cho biết qua xét nghiệm hơn 5.600 mẫu bệnh phẩm trên người và gần 20.000 mẫu gia cầm cho thấy hiện Việt Nam chưa có trường hợp mắc bệnh cúm A/H7N9 trên người cũng như trên gia cầm. Tuy vậy, đại diện Bộ Y tế tiếp tục khẳng định nguy cơ virus cúm A/H7N9 vào Việt Nam rất lớn và bùng phát thành dịch ở người bất cứ lúc nào.
“Mỗi tháng có khoảng 130.000 lượt khách nhập cảnh từ Trung Quốc, cùng với việc gia cầm nhập lậu khó kiểm soát nên nguy cơ dịch xâm nhập Việt Nam đang rất gần” - ông Phu nói.
Đại diện Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam lo ngại gà bị nhiễm virus H7N9 ở thể ẩn vì chúng thường không chết vì virus gia cầm này. Tại Trung Quốc, virus được phát hiện trên người trước, sau đó mới thấy trên gia cầm.
Ông Takeshi Kasai, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, cũng nhận định dịch cúm A/H7N9 đang là mối hiểm họa với Việt Nam. Theo ông, virus cúm A/H7N9 có thể xuất hiện ở Việt Nam qua gia cầm nhiễm bệnh hoặc khách nước ngoài đến từ vùng có dịch bệnh. Đại diện WHO khuyến nghị các cơ quan chức năng cần phải minh bạch, chia sẻ thông tin và có sự phối hợp chặt chẽ giữa y tế - thú y khi phát hiện các ca bệnh trên người và gia cầm.
Độc lực virus biến đổi vẫn rất mạnh
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Hiện nay, dịch cúm A/H7N9 chưa xuất hiện tại Việt Nam nhưng vẫn phải tuyên truyền để người dân không quá hoang mang, lo lắng, đồng thời cũng không chủ quan.
“Các cấp, ngành liên quan phải làm sao để khi các chủng mới xuất hiện cũng không gây tác hại như cúm A/H5N1 trước đây. Các cơ quan cần chủ động cung cấp thông tin cho báo chí. Kinh nghiệm cho thấy nơi dễ xảy ra dịch thường là những địa bàn mà người dân ít quan tâm tới thông tin hoặc thông tin mang tính chung chung. Vì thế, việc tuyên truyền phải hết sức cụ thể, dễ hiểu” - Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo giới chuyên môn, với việc xuất hiện nhiều chủng cúm gia cầm cùng một lúc trên người và đàn gia cầm thì tình hình dịch sẽ phức tạp hơn nhiều so với trước. GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho rằng trong các chủng virus cúm thì H5N1 tuy nguy hiểm nhưng Việt Nam đã có kinh nghiệm đối phó nhiều năm qua, còn H7N9 sẽ khó khăn hơn vì lây lan âm thầm, lại không có biểu hiện lâm sàng ở gia cầm.
Theo GS Nguyễn Trần Hiển, ghi nhận tại Việt Nam cho thấy cúm A/H5N1 vẫn là chủng có độc lực mạnh nhất với tỉ lệ tử vong hiện ở mức 50%. Riêng trong tháng 1-2014, 2/2 bệnh nhân mắc cúm gia cầm đều tử vong. Đáng lưu ý ở 2 ca bệnh này, ngoài trường hợp mang virus cúm A/H5N1 cổ điển hiện diện ở miền Nam nhiều năm nay thì trường hợp còn lại là chủng virus cúm gia cầm ở miền Bắc đã có sự biến đổi về nhánh gien. Do biến đổi ở gia cầm và gây tử vong cho người nên virus mới mang độc lực cao.
Chặn dịch sởi bằng tiêm phòng
Trước tình hình dịch sởi bùng phát và diễn biến phức tạp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: Theo Bộ Y tế và các nhà chuyên môn, dịch sởi xuất hiện vào thời gian này không phải do tỉ lệ tiêm vắc-xin năm nay thấp mà do tích tụ từ những năm trước.
Với đợt tiêm phòng sởi trên cả nước triển khai từ nay đến ngày 5-3, Phó Thủ tướng yêu cầu cần thành lập đội ứng phó với phản ứng sau tiêm chủng nhằm giảm thấp nhất các phản ứng. Các phản ứng khiến nhiều gia đình lo ngại, không dám cho con em đi tiêm. Hậu quả để lại 3-5 năm sau là nhiều dịch bệnh sẽ bùng phát.
Bình luận (0)