xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chật vật vào Nam

Nhóm phóng viên

Hàng chục ngàn người từ miền Trung đang vất vả đón xe vào Nam sau những ngày nghỉ Tết kéo dài. Tình trạng nhồi nhét, bắt chẹt khách lại xảy ra

Hôm qua, 5-2, dọc theo Quốc lộ 1, đoạn qua các địa phương như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên…, hàng chục ngàn người đã tràn ra đường đợi đón xe vào Nam sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Cả ngày không đón được xe

Sáng cùng ngày, dọc Quốc lộ 1 đoạn qua TP Quảng Ngãi, hàng ngàn người đứng đợi các chuyến xe khách vào Nam. Anh Nguyễn Văn Thuyết lo lắng: “Tôi đón xe đi Đồng Nai đã hơn 4 giờ rồi nhưng vẫn chưa được. Xe nào đi qua mình cũng vẫy nhưng họ không dừng lại. Từ giờ đến tối, không biết tôi có đón được xe hay không. Các xe đi qua đều đông nghẹt khách”.

Hành khách chờ đợi đón xe vào TP HCM tại Bến xe phía Nam TP Huế  Ảnh: Quang Nhật
Hành khách chờ đợi đón xe vào TP HCM tại Bến xe phía Nam TP Huế Ảnh: Quang Nhật

Cạnh những người đón xe tự do, nhiều hành khách dù có vé đã mua từ trước nhưng cũng không biết là... thật hay giả. Chị Nguyễn Kim Phụng cho biết: “Trước Tết, tôi mua một vé ngồi mềm của hãng C.P bán ở Bến xe Quảng Ngãi với giá 600.000 đồng nhưng đợi từ sáng đến giờ, nhà xe vẫn chưa tới đón khách. Tôi điện thoại hỏi thì họ cứ nói đợi tí sẽ vào đón nhưng chờ đã hơn 2 giờ rồi mà vẫn chưa thấy. Không biết vé tôi mua là thật hay giả nữa”.

Tại 2 tỉnh Bình Định và Quảng Nam, hàng ngàn người cũng đứng ngồi dày đặc dọc Quốc lộ 1 đợi xe. Chị Lâm Thị Như (quê Bình Định) than: “Tôi đợi đã gần 6 giờ nhưng vẫn không đón được xe vào TP HCM. Trước Tết, tôi cũng phải chen lấn khổ sở mới mua được vé về quê, giờ quay vô lại phải chờ đợi mỏi mòn. Không biết đến bao giờ mới có xe vô TP cho kịp ngày làm việc” .

Đối với nhiều tuyến đường gần như Quảng Ngãi - Đà Nẵng, Bình Định - Đà Nẵng…, hành khách cũng ùn ùn đổ ra các điểm xe dù, bến cóc đón xe cho kịp ngày làm việc vào hôm nay, 6-2.

Đành đi xe máy

Lợi dụng nhiều người đổ xô đón xe vào Nam, không ít nhà xe vô tư nhồi nhét, “chặt chém” hành khách.

Tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, theo quan sát của chúng tôi, rất nhiều xe dù đông nghẹt khách nhưng khi thấy có người vẫy gọi vẫn dừng lại, thỏa thuận giá rồi nhét thêm khách lên. Hành khách phải ngồi ghế xúp đã đành, nhiều nhà xe còn buộc họ ngồi bệt dưới sàn.

Chị Trần Thị Kim, một hành khách đứng đón xe vào TP HCM tại TP Quảng Ngãi, bức xúc: “Sáng nay, tôi đã lên chuyến xe đò từ Quảng Nam vào TP HCM. Thấy khách chật cứng, không thở được, tôi đành phải xuống xe. Đã vậy, nhà xe còn bắt tôi trả 100.000 đồng mới chấp nhận cho xuống”.

Ông Bùi Thanh Vinh, một hành khách đang đợi xe vào TP HCM, so sánh: “Bình thường, giá vé xe chất lượng cao ghế ngồi dịp Tết dao động 500.000-600.000 đồng/vé (tuyến Quảng Ngãi - TP HCM) nhưng hiện nhiều nhà xe “hét” giá lên 800.000 đồng. Biết là bị “chặt chém” nhưng nếu không đi giá đó thì không có xe để vào kịp ngày làm việc”.

Ngồi ôm đứa con trai 2 tuổi trên tay tại thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, chị Trần Thị Lợi cho biết vợ chồng chị đứng đợi xe từ sáng sớm nhưng mãi đến gần 10 giờ vẫn chưa đón được, nguyên nhân là do giá vé quá đắt. Chờ đến trưa vẫn không đón được xe đi với giá có thể chấp nhận, vợ chồng chị đành để cậu con trai học lớp 6 và người em (cũng làm công nhân) đón xe khách ghế ngồi với giá 750.000 đồng/người để kịp vào Nam làm việc và đi học.

“Riêng vợ chồng tôi quyết định quay về nhà rồi đi xe máy vào TP HCM. Vé xe đắt quá, hai vợ chồng với con nhỏ vào TP HCM cũng mất gần 2,5 triệu đồng. Vợ chồng tôi đi xe máy để tiết kiệm tiền, vào đó  còn trang trải sinh hoạt nữa” - chị Lợi buồn bã.

Xe dù, bến cóc nở rộ

Không những tăng giá, nhồi nhét khách, dịp này, các điểm xe dù, bến cóc cũng mọc lên rầm rộ. Dọc Quốc lộ 1 qua địa bàn TP Quảng Ngãi, chúng tôi đếm được có tới hàng chục điểm xe dù. Đặc biệt, trong các cây xăng, tình trạng xe dù núp bóng, đội lốt xe đưa đón công nhân, xe hợp đồng cũng đua nhau bắt khách công khai.

Ông Huỳnh Ngà, Chánh Thanh tra Sở GTVT Quảng Ngãi, thừa nhận năm nào cũng vậy, thời điểm sau Tết Nguyên đán, lượng người vào Nam thường đông đột biến nên nhà xe đua nhau nhồi nhét, bắt chẹt khách. “Chúng tôi đang rốt ráo ra quân, kiểm tra, xử phạt các nhà xe vi phạm” - ông Ngà khẳng định.

Tại Bến xe phía Nam TP Huế, trong sáng 5-2 có 30 chuyến xe khách giường nằm xuất bến vào TP HCM nhưng đều kín chỗ. Các tuyến từ Huế đi Đà Nẵng, Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng… cũng trong tình trạng tương tự. Tuyến Huế đi Đà Nẵng dù 30 phút có một chuyến xe xuất bến nhưng các xe đều chật như nêm. Ông Phạm Xuân Sơn, Phó Giám đốc Công ty CP Quản lý Bến xe tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết giá vé xe sau Tết đối với các tuyến vào Nam tăng 10%-60%. 

Người dân nườm nượp đổ về TP HCM

Do lượng xe ở các tỉnh khởi hành hôm trước nên từ 4 giờ đến 7 giờ sáng 5-2, đã có hàng trăm xe khách đến Bến xe Miền Đông, TP HCM. Hành khách đổ về nườm nượp, cộng với hành lý, vali lỉnh kỉnh và rất nhiều món quà quê như gà vịt, bánh tét, bánh chưng... khiến bến xe thêm chộn rộn.

Ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc Bến xe Miền Đông, cho biết lượng khách từ các tỉnh miền Trung, Bắc đổ về bến tăng dần từ ngày 4-2. Mỗi ngày có  khoảng 1.200-1.400 chuyến xe chở khoảng 40.000 lượt khách về bến, tăng gấp đôi so với ngày thường. Dự kiến, khách sẽ còn tăng cao vào những ngày cuối tuần. Để tạo điều kiện cho phương tiện quay đầu về các tỉnh đón khách, Bến xe Miền Đông giải quyết thủ tục xuất bến nhanh cho nhà xe chỉ trong 1-2 phút.

Trong khi đó, Bến xe Miền Tây hiện mỗi ngày đón từ 1.100-1.200 chuyến xe với khoảng 39.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với ngày thường (cao điểm dự kiến từ ngày 7 đến 9-2 với hơn 40.000 lượt khách).

Theo ông Trần Văn Phương, Phó Giám đốc Bến xe Miền Tây, bến đã chuẩn bị diện tích bãi đỗ đủ rộng, giải quyết thủ tục xuất bến nhanh và tăng cường nhân sự giữ trật tự. Ngoài ra, bến xe này cũng chủ động phối hợp với các đơn vị xe buýt tăng cường chuyến và phương tiện để chuyên chở hành khách về các quận nội thành TP HCM nhanh nhất.        T.Hồng

 

Giá vé tăng đến 60%

Tại các tỉnh, thành phía Bắc, tàu xe ít áp lực hơn nhưng tình trạng “chặt chém” vẫn rất phức tạp.

Từ 9 giờ ngày 5-2, ven Quốc lộ 1 đoạn chạy qua huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, hai bên đường có nhiều tốp người đứng chờ xe đi vào các tỉnh phía Nam hoặc ra Bắc làm việc. Anh Trần Văn Hùng (ngụ xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc), chờ xe tại khu vực thị trấn Quán Hành, huyện Nghi Lộc, cho biết: “Tôi đón xe đi Bình Định nhưng nhà xe cứ đòi phải trả tiền mua vé đi TP HCM”.

 

Người dân trở lại Hà Nội sau những ngày nghỉ Tết Ảnh: VĂN DUẨN
Người dân trở lại Hà Nội sau những ngày nghỉ Tết Ảnh: VĂN DUẨN

 

Chị Lê Thị Lan, một người đang ngồi chờ xe bên vệ đường tại khu vực thị trấn Gia Lách, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, than thở: “Bình thường, tôi đi đi TP HCM chỉ tốn 700.000-800.000 đồng/vé, hôm nay họ “hét” giá 1,3 triệu đồng/vé ghế nằm. Giá tàu xe cao thế này thì đi làm dành dụm quanh năm về quê một chuyến là trắng tay”...

Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy giá vé xe khách từ TP Vinh (tỉnh Nghệ An) đi các tỉnh phía Bắc, phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên đều đồng loạt tăng khoảng 60% so với ngày thường. Điển hình như vé xe giường nằm đi các tỉnh Tây Nguyên, Bình Dương, TP HCM ngày thường chỉ từ 600.000-800.000 đồng nhưng nay, các nhà xe đều tăng lên 1,1-1,3 triệu đồng/vé. Vé đi Hà Nội ngày thường từ 180.000-200.000 đồng nhưng hiện đã được rao bán từ 300.000-340.000 đồng/vé.

Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng Phòng Kế hoạch Công ty CP Bến xe Nghệ An, cho hay: “Dự kiến vào những ngày cao điểm (từ mùng 8 đến mùng 10 Tết), bình quân mỗi ngày Bến xe Vinh có khoảng 40.000-50.000 lượt khách đi lại. Lượng người tăng đột biết nên giá vé xe tất cả các tuyến đều tăng 30%-60%”.

Trong khi đó, theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, chiều 5-2, trên tuyến Quốc lộ 5, các phương tiện từ các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên đổ về Hà Nội khá đông và mỗi lúc một nhiều hơn. Tuy nhiên, trên tuyến đường này chưa xảy ra ùn tắc. Trên tuyến đường Giải Phóng, khu vực từ Bến xe Nước ngầm đến Bến xe Giáp Bát, lưu lượng xe từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Hà Nam đổ về cũng ngày càng nhiều nhưng không có hiện tượng ùn tắc.

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe Giáp Bát, cho biết trong ngày 4-2, gần 10.000 lượt khách đã về bến và ngày 5-2 tăng lên gấp đôi. Theo ông Thành, số lượng khách như vậy là ít hơn mọi năm. Nguyên nhân có thể là do người dân được nghỉ dài ngày và đi lại bằng xe máy nhiều hơn.

Đ.Ngọc - V.Duẩn

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo