Một loạt quan chức đương nhiệm bị đình chỉ hoặc tạm đình chỉ công tác để làm rõ. Quan chức nghỉ hưu có liên quan cũng bị buộc làm giải trình.
Vẫn chỉ là nghi án nhưng hàng loạt động thái cho thấy Chính phủ và các cơ quan chức năng nói chung, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) nói riêng, đang quyết tâm làm rõ trắng đen.
Một khi chưa được làm rõ thì nghi án vẫn chỉ là nghi án, nghĩa là có thể và không có thể. Dù vậy, điều mà không chỉ giới làm ăn, nhất là các nhà đầu tư, mà cả những người dân bình thường cũng thấy rất rõ là tình trạng “bôi trơn” để đạt được những mục đích này khác đang lan tràn ở nước ta. Từ chuyện đời thường như lo một chỗ học cho con, xin giấy phép xây dựng nhà, điều trị ở bệnh viện đến những chuyện lớn lao hơn như việc làm, dự án… đều có thể xuất hiện đủ cách chi tiền để “bôi trơn”. Những thứ quà cáp khó để gọi là tình cảm, thậm chí là hàng vali tiền, lộ dần sau những đại án tham nhũng khiến người tử tế phải suy nghĩ.
Kết quả khảo sát từ 8.093 doanh nghiệp (DN) dân doanh và 1.609 DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm 2013 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) vừa công bố cho thấy với quán quân - TP Đà Nẵng, điểm cho chỉ số Chi phí không chính thức cũng chỉ được 7,5 (có 10 chỉ số thành phần với thang điểm 100). Chi phí không chính thức được hiểu là những chi phí không nằm trong quy định mà DN vẫn phải mất, không chi thì khó được việc. Địa phương nào có điểm Chi phí không chính thức càng thấp thì gắn theo đó là điểm cho chỉ số Tính minh bạch cũng khó mà cao. Các nhà khoa học đã tính được việc tăng 1 điểm của chỉ số Tính minh bạch trong PCI sẽ giúp tăng 13% số DN trên 1.000 dân, 17% đầu tư bình quân đầu người và 62 triệu đồng lợi nhuận trên mỗi DN.
Hội thảo khoa học quốc tế “Khởi tạo động lực tăng trưởng mới: Tăng cường liên kết doanh nghiệp FDI - nội địa”, do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Viện Nghiên cứu Chính sách quốc gia Nhật Bản phối hợp tổ chức ngày 26-3 tại TP Hà Nội cũng đã chỉ rõ rằng Việt Nam đang ngày càng phải đối mặt với tình trạng cạnh tranh gay gắt hơn trong thu hút FDI. Một trong những điểm yếu của Việt Nam so với các nền kinh tế đối thủ là chi phí không chính thức còn cao. Đó cũng là nguyên nhân khiến năm 2013, 54% DN FDI trước khi chọn Việt Nam từng cân nhắc đầu tư vào các nước khác, chủ yếu là Trung Quốc, Lào, Campuchia, Myanmar... Trong khi đó, con số này của năm 2011-2012 chỉ là 32%.
Minh bạch được khẳng định là yếu tố quan trọng để giảm chi phí không chính thức. Sức khỏe và độ lành mạnh của nền kinh tế cũng lệ thuộc rất nhiều vào tính minh bạch. Trong tiến trình cải cách hành chính, điều chúng ta dễ thấy nhất là người dân cũng như DN đang ngày càng được tiếp cận với sự minh bạch về thông tin.
Dĩ nhiên, minh bạch không thôi thì vẫn chưa đủ nếu cơ chế kiểm tra, giám sát vẫn chưa đủ mạnh và việc xử lý các vi phạm vẫn chưa nghiêm minh.
Bình luận (0)