Mục tiêu của các dự án, chính sách hết sức tốt đẹp nhưng sao lại vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận đến vậy?
Kết luận đúng sai vẫn còn ở phía trước nhưng một hiện tượng bất thường đang được nhận dạng, đó là cùng một sự việc nhưng người này nói đúng luật, người kia nói sai luật, mà toàn là lãnh đạo, chuyên gia đầu ngành. Nhiều ý kiến cũng đã phân tích sự “đối kháng” này nhưng cốt yếu có 2 vấn đề cần suy ngẫm thêm. Đó là tính chuyên nghiệp của quản lý dự án chưa cao và công tác giám sát thực thi pháp luật đang có lỗ hổng.
Khi lập và triển khai thực hiện một dự án, chúng ta chỉ phân tích sâu về tính khả thi và tính hiệu quả, ít để ý đến tính bền vững. Tính bền vững chi phối bởi các bên liên quan đến dự án (cả nhóm hưởng lợi và nhóm bị ảnh hưởng) bởi các vấn đề nhạy cảm về chính trị, xã hội và rủi ro về tự nhiên môi trường. Kết quả giống nhau ở các dự án thiếu tính bền vững, điển hình như đề án chặt cây xanh ở Hà Nội và lấp sông ở Đồng Nai là chết yểu hoặc để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho cộng đồng.
Nguyên nhân về lỗ hổng thực thi pháp luật cần chú ý hơn vì tính đặc biệt nghiêm trọng của nó. Một hệ thống pháp luật tại bất cứ đất nước nào, thời kỳ nào cũng phải có tính cụ thể, rõ ràng, dễ thực thi, không ai được đứng trên pháp luật để suy diễn, vận dụng theo ý cá nhân hoặc nhóm lợi ích. Vì vận dụng như thế nên mới sinh ra chuyện đối kháng ở dự án lấp sông Đồng Nai; trong khi các cơ quan tham mưu UBND tỉnh Đồng Nai cho là đúng pháp luật thì Mạng lưới sông ngòi Việt Nam và nhiều chuyên gia đầu ngành lại cho là sai rất nhiều luật, như Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đê điều, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công... Luật pháp như chân lý, chỉ có một chứ không phải 2 quan điểm ngược chiều đều đúng.
Xem xét các vụ việc đã qua, đáng trách là ứng xử của cấp thẩm quyền không kịp thời, thiếu công khai, minh bạch trong việc lấy ý kiến, đối thoại để tìm sự đồng thuận trong thực thi chính sách. Ngạc nhiên hơn là cách hành xử và trách nhiệm giải thích, giám sát của các cơ quan, đơn vị trực tiếp soạn thảo - ban hành - giám sát việc thực thi pháp luật. Nếu như các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội lên tiếng sớm, chắc không xảy ra các hiệu ứng lan tỏa, có khi gây tâm lý hoài nghi trong dân về tính bất nhất của các văn bản luật và trình độ kiến thức, thậm chí ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, cán bộ nhà nước hoặc các chuyên gia lão luyện đầu ngành.
Những lỗ hổng trong thực thi chính sách pháp luật cần phải được khắc phục sớm. Sẽ còn nhiều dự án, chính sách lớn trong tương lai tiếp tục gây sóng gió, mất lòng tin xã hội nếu chúng ta tiếp tục “hành xử” với pháp luật như thế.
Bình luận (0)