Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo chuyên đề về điện hạt nhân Ninh Thuận
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi họp báo chuyên đề về điện hạt nhân chiều ngày 22-11 cho hay Quốc hội vừa biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận.
Bộ trưởng cho hay việc dừng dự án điện hạt nhân được xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng trên cơ sở điều kiện kinh tế nước ta hiện nay. Có thể nói rằng tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam hiện nay khác so với năm 2009 - thời điểm quyết định chủ trương dự án. Dư địa tiết kiệm điện thời kỳ này khá tốt, việc mua điện từ một số nước láng giềng, đặc biệt là Lào được tăng cường trong thời gian tới. Đáng lưu ý, việc sử dụng năng tái tạo như gió, mặt trời trở nên khả thi về kinh tế do giá thành giảm nhiều so với 5 năm trước đây
Mặt khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng cho biết thời điểm hiện tại, chúng ta đang tập trung nguồn vốn đầu tư ưu tiên một số dự án trọng điểm quốc gia như cảng hàng không Long Thành, đường bộ cao tốc Bắc-Nam, đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam và một số dự án, chương trình quan trọng như xử lý kịp thời, cấp bách vấn đề biến đổi khí hậu.
“Trên cơ sở báo cáo của Chính phủ như trên, Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết dừng dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Việc dừng dự án không phải vì lý do công nghệ, an toàn mà lý do chính là do tình hình kinh tế cụ thể của Việt Nam như đã nêu trên”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Bộ trưởng cũng thay mặt Chính phủ Việt Nam khẳng định công nghệ hạt nhân của Nga, Nhật Bản dự kiến được sử dụng đều là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, có mức độ an toàn cao nên hoàn toàn có thể yên tâm. “Có thể nói đây là quyết định được xem xét cân nhắc kỹ lưỡng với tinh thần trách nhiệm cao của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Chúng tôi tin tưởng sẽ nhận được sụ ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân cả nước, sự chia sẻ cảm thông sâu sắc của đối tác Nga và Nhật Bản”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Về giải quyết vấn đề an ninh năng lượng, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay theo tính toán, 2 dự án nếu hoàn thành sẽ đóng góp 3,6% công suất điện và 5,7% sản lượng điện sản xuất nên dừng dự án không ảnh hưởng đến an ninh cung ứng điện. Chúng ta có thể bổ sung các nguồn điện khác như nhiệt điện than, năng lượng tái tạo, khí thiên nhiên, hoá hỏng cũng như xem xét mua điện từ các nước láng giềng, nhất là nước Lào bên cạnh chúng ta.
“Mặc dù các đối tác Nga và Nhật Bản đều bày tỏ sự đáng tiếc về việc dừng dự án với nhiều kết quả đã đạt được trong hợp tác đầu tư xây dựng, song về cơ bản các đối tác đều thể hiện quan hệ hữu nghị, bày tỏ cảm thông và tôn trọng quyết định của Việt Nam, đồng thời Chính phủ Nga và Nhật Bản mong muốn sẽ tăng cường hợp tác, hỗ trợ cho Việt Nam một số lĩnh vực phát triển kết cấu hạ tầng để thay thế cho hợp tác đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Chính phủ Việt Nam khẳng định việc dừng dự án không làm thay đổi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Nga và đối tác sâu rộng với Nhật”- Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho hay dự án điện hạt nhân với sự hỗ trợ của Nga, Nhật Bản đã triển khai, chủ yếu giai đoạn chuẩn bị dự án. Hiện nay, đã xong báo cáo nghiên cứu khả thi, đã tiến hành một số hạng mục như giải phóng mặt bằng. Đồng thời, cũng đã đưa khoảng 400 học sinh, sinh viên sang Nga, Nhật để học các chương trình năng lượng nguyên tử, hạt nhân.
Về việc giải quyết các vấn đề còn dang dở hiện nay, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho hay sẽ thực hiện theo hướng những hạng mục công việc đang triển khai thì tiếp tục sử dụng cho phát triển kinh tế - xã hội của Ninh Thuận. Ví dụ như hạ tầng điện sẽ giao cho Tổng công ty điện lực Ninh Thuận để cung ứng điện cho tỉnh. Các học sinh được đưa đi đào tạo sẽ được sử dụng cho nhu cầu phát triển khoa học hoặc đưa về tham gia vận hành nhà máy nhiệt điện khác của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Với các công việc đang triển khai dở dang, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục làm việc với các đối tác, hoàn tất công việc dở dang trên tinh thần đảm bảo lợi ích của các bên”- Thứ trưởng Vượng cho hay.
Rút kinh nghiệm công tác dự báo, Thứ trưởng cho rằng đây là vấn đề khó. Cách đây 5 năm, không bao giờ chúng ta nghĩ giá dầu có thể xuống 40-50 USD/thùng như hiện nay. Tuy nhiên, qua đây cũng rút ra bài học sâu sắc với đội ngũ làm công tác hoạch định chiến lược để làm sao hoạch định chính sách, chiến lược hợp lý hơn.
Bình luận (0)