xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chở quá tải, sẽ bị khởi tố

Văn Duẩn

Theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải, chủ xe và tài xế vi phạm chở quá tải trọng cho phép trên 200% sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự

 

“Việc cố tình chở quá tải làm hư đường là hành vi phá hoại tài sản quốc gia nên cần phải xử lý ở mức độ cao hơn mức phạt hành chính” - Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Đinh La Thăng nói và nhấn mạnh quyết tâm xóa bỏ tình trạng xe chở quá tải trọng trong năm 2015.

Đoàn xe gỗ chở quá tải từ Lào về bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ ngày 4-2 Ảnh: Đức Ngọc

Đoàn xe gỗ chở quá tải từ Lào về bị lực lượng chức năng Hà Tĩnh bắt giữ ngày 4-2 Ảnh: Đức Ngọc

Phạt nặng vẫn không sợ!

Hiện nay, việc xử lý xe chở quá tải trọng áp dụng theo Nghị định 107/NĐ-CP ngày 17-11-2014 của Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định 171/2013/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Theo đó, đối với xe chở quá tải trọng từ trên 40%-60%, cá nhân (tài xế) bị phạt từ 12-14 triệu đồng, tổ chức (chủ xe) bị phạt từ 24-28 triệu đồng. Trường hợp chở quá tải trọng trên 60%-100%, mức phạt đối với 2 đối tượng trên lần lượt là 14-16 triệu đồng và 28-32 triệu đồng; trên 100% mức phạt là 16-18 triệu đồng và 32-36 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), nhìn nhận dù đã tăng mức phạt so với Nghị định 171 (4 triệu đồng đối với cá nhân và 8 triệu đồng đối với tổ chức) nhưng việc xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định 107 vẫn chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết sau khi kiểm soát xe quá tải đồng loạt trên cả nước, tỉ lệ xe vi phạm có giảm, từ 50% vào tháng 3-2014 còn 8,3% vào cuối năm 2014. Dù vậy, tình trạng chủ xe, tài xế cố tình chở quá tải vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là ở các tuyến đường ngang, ngõ tắt. Bên cạnh đó, có tình trạng chủ xe, lái xe móc nối với “cò” để dẫn xe qua trạm; lái xe chống đối lực lượng chức năng...

Trước tình hình trên, song song với việc đưa ra các biện pháp ngăn chặn xe chở quá tải trọng, Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu để có quy định cụ thể đối với mức vi phạm chở quá tải bao nhiêu thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ủng hộ xử lý hình sự

Trước chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ông Huyện cho biết cơ quan này vừa chính thức có văn bản kiến nghị lãnh đạo Bộ GTVT xây dựng khung pháp lý để trình Chính phủ xây dựng, bổ sung các văn bản pháp luật để có biện pháp mạnh tay xử lý xe quá tải, trong đó có biện pháp truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể là khởi tố nếu chủ xe và tài xế chở hàng vượt tải trọng trên 200%. “Cả chủ xe và tài xế phải bị xử lý hình sự, trong đó xử lý chủ xe nặng hơn vì thực tế ít có tài xế nào muốn chở quá tải mà bị chủ xe ép buộc” - ông Huyện nhấn mạnh.

Đây mới chỉ là kiến nghị của Tổng cục Đường bộ với Bộ GTVT. Còn việc bổ sung, sửa đổi các luật có liên quan để xử lý hành vi này cần có khoảng thời gian. Tuy nhiên, theo Tổng cục Đường bộ, đề xuất này nhận được nhiều đồng tình của người dân, doanh nghiệp vận tải.

Cũng theo ông Huyện, đến nay, sau một thời gian làm quyết liệt của các cấp, ngành và địa phương, việc kiểm soát xe chở quá tải cơ bản đã đạt được 80%. Hiện xe chở quá tải chủ yếu hoạt động ở các mỏ đá và nhà máy xi măng. Năm 2015 sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát ngày đêm, xử phạt nghiêm các chủ mỏ, các nhà máy để xảy ra hành vi chở quá tải; buộc các mỏ, các cảng thực hiện nghiêm túc cam kết không cho xếp hàng lên xe vượt quá tải trọng cho phép.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam:

Khởi tố mới đủ sức răn đe

Cá nhân tôi và hiệp hội hoàn toàn ủng hộ với đề xuất của Tổng cục Đường bộ. Những hành vi cố tình chở quá tải phải coi là phá hoại tài sản quốc gia, do vậy cần khởi tố thì mới đủ sức răn đe. Phải làm quyết liệt chứ nếu du di, xử lý hành chính rồi cho qua thì sẽ phát sinh tiêu cực trong hoạt động vận tải.

Ông Nguyễn Trọng Thái, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia:

Quy trách nhiệm cho địa phương

Trước mắt, khi chưa có quy định của luật về xử lý hình sự đối với hành vi chở quá tải thì cần phải tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm vi phạm theo pháp luật hiện hành. Ngoài ra, cần phải quy trách nhiệm cụ thể đối với người đứng đầu địa phương. Lãnh đạo địa phương không thể không nắm được thông tin về tình trạng xe chở quá tải.

Thượng tá Lưu Văn Tiến, Phó trưởng phòng CSGT Công an Hà Tĩnh:

Chở quá tải 200% là phá hoại

Xe chở quá tải từ 200% tải trọng cho phép trở lên thì cầu đường, công trình sẽ bị phá hết nên cần có biện pháp mạnh. Quan điểm của tôi là ủng hộ việc xử lý hình sự đối với những chủ xe, tài xế cố tình chở quá tải trọng trên 200%. Theo tôi, việc xác định xe chở quá tải trọng trên 200% để làm cơ sở khởi tố là không khó. Theo đó, khi phát hiện xe chở quá tải sẽ bắt giữ, tiến hành cân kiểm tra tải trọng, nếu chở quá tải từ 200% tải trọng cho phép trở lên sẽ lập biên bản rồi chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra khởi tố vụ án.V.Duẩn - Đ.Ngọc

 

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo