xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Cho xây nhà trong di tích

Bài và ảnh: Quang Nhật

Dù cơ quan chức năng đã kết luận về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sai trái và đề nghị thu hồi, đồng thời xử lý cán bộ sai phạm nhưng hơn 2 năm trôi qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn không thực hiện

Một ngày cuối năm 2013, trời rét buốt. Đoàn du khách từ các tỉnh, thành phía Bắc tìm đến khu di tích lăng mộ Tuy Lý Vương (đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế) để tham quan. Cả đoàn không khỏi bất ngờ trước cảnh di tích bị nhiều nhà cửa lấn chiếm, che khuất; cổng vào từ đường Bùi Thị Xuân hoang phế,  khóa kín. Loay hoay mãi, đoàn du khách mới tìm được lối vào từ một hẻm nhỏ sát bên nhà thờ của bà Ngô Thị Đào.

Nhà cửa mọc san sát

Ông Tạ Văn Phong, một du khách trong đoàn, ngạc nhiên: “Khi khu lăng mộ này mới được công nhận di tích cấp quốc gia, tôi vào đây thấy rộng rãi và rất sạch sẽ. Không ngờ chỉ hơn 10 năm sau, xung quanh di tích, nhà cửa mọc san sát, lấn chiếm hết đất”.

Khu lăng mộ này là nơi an nghỉ của nhà thơ Tuy Lý Vương (tên thật Minh Trinh, con thứ 11 của vua Minh Mạng) và thân mẫu, được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia năm 1991, diện tích 5.600 m2. Thế nhưng, hiện nay, từ đường Bùi Thị Xuân nhìn vào, du khách rất khó nhận ra đây là khu di tích bởi bị quá nhiều nhà cửa xâm lấn. Toàn  khuôn viên chỉ còn lại mảnh đất của 2 ngôi mộ và khu vườn chưa tới vài trăm mét vuông, lọt thỏm giữa những căn nhà cao tầng của các hộ lấn chiếm.

 

Khu nhà và điện thờ của gia đình bà Ngô Thị Đào tại di tích lăng mộ Tuy Lý Vương
Khu nhà và điện thờ của gia đình bà Ngô Thị Đào tại di tích lăng mộ Tuy Lý Vương

 

Nằm ở vị trí đắc địa nhất là nhà thờ và nhà ở của gia đình bà Ngô Thị Đào ngay mặt tiền đường Bùi Thị Xuân, cạnh lối vào chính của di tích. Ông Ngô Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết nhà thờ này do bà Đào xây dựng từ năm 2010. Dù UBND phường Phường Đúc đã đình chỉ thi công 3 lần nhưng không hiểu sao, cuối cùng, bà Đào cũng xây xong nhà thờ.

“Bà Đào còn tính xây hồ cá cảnh, làm chỗ để xe ở khoảnh đất thuộc di tích nhưng chúng tôi đã ngăn cản” - ông Ngô Văn Thắng bức xúc. Theo ông,  năm 1973, bà Nguyễn Thị Quế mua khu đất này từ ông Hồ Thúc Phượng. Do đất thuộc phạm vi của khu mộ Tuy Lý Vương nên chính quyền chế độ cũ chỉ công nhận việc ông Phượng bán nhà cho bà Quế, không cho bán đất.

Năm 1995, khi khu lăng mộ này được công nhận là di tích văn hóa - lịch sử cấp quốc gia, bà Quế đề nghị chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng UBND TP Huế không chấp nhận vì giấy tờ không hợp lệ. Năm 2004, bà Quế tiếp tục đề nghị và được UBND TP Huế... chấp thuận! Khi bà Quế qua đời, quyền thừa kế mảnh đất này được chuyển cho người cháu tên Nguyễn Văn Cường cùng vợ là bà Ngô Thị Đào.

Nằm sát nhà bà Đào là nhà của các ông Trương Văn Chính, Nguyễn Văn Khánh và một số hộ dân khác, đều lấn chiếm đất của di tích. Ông Khánh nguyên là cán bộ UBND phường Phường Đúc, do không có nhà nên phường cho ở tạm trên khu vực 110 m2 trong di tích. Ông Khánh đã sửa diện tích trên giấy tờ từ 110 m2 lên 500 m2. Sau đó, không hiểu bằng cách nào, ông được công chứng giấy tờ và được cấp phép xây dựng nhà ở. Trong khi đó, năm 2008, ông Chính cũng xây dựng nhà lấn chiếm phần đất của di tích.

Thay vì cương quyết tháo dỡ ngay , UBND phường Phường Đúc và UBND TP Huế lại làm ngơ. Vì vậy,  việc xây dựng những căn nhà này rốt cuộc cũng suôn sẻ, tạo tiền lệ để các hộ khác làm theo.

Chậm xử lý

Liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lạ lùng của bà Ngô Thị Đào, vào tháng 9-2010, Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giám định tấm “Trích lục địa bộ” do chế độ cũ cấp cho bà Quế và khẳng định hồ sơ xin cấp quyền sử dụng đất của bà là giả mạo.

Tiếp đó, tháng 10-2011, Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng có kết luận tương tự, khẳng định khu đất này đã được xếp hạng di tích, là đất công do nhà nước quản lý trực tiếp, mọi hoạt động sử dụng đất phải có ý kiến của Bộ VH-TT-DL. Vì vậy, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng cho một số hộ dân như trên là sai trái, làm mất trên 1.600 m2 đất, thiệt hại trên 4,7 tỉ đồng (tính theo giá đất ban hành năm 2005), đồng thời cần thu hồi các quyết định cấp sổ đỏ.

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế kiến nghị chủ tịch UBND tỉnh chuyển hồ sơ qua cơ quan công an làm rõ; đồng thời chỉ đích danh từng cán bộ của UBND TP Huế để xử lý kỷ luật. Theo đó, ông Nguyễn Mậu Thương, Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, đã tham mưu UBND TP cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Quế và cấp giấy phép xây dựng nhà cho bà Đào; ông Phan Văn Sỹ - nguyên phó trưởng Phòng Quản lý đô thị, nay là Phó Phòng Tư pháp - đã để xảy ra sai phạm trong việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Khánh, bà Bích và một số cán bộ khác...

Song đến nay, qua hơn 2 năm kể từ ngày có kết luận thanh tra, các cán bộ nêu trên vẫn không bị xử lý. Cuối năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Nguyễn Văn Cao, đã yêu cầu xử lý nghiêm các cá nhân đã để xảy ra sai phạm; cương quyết thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cưỡng chế và giải tỏa các trường hợp vi phạm của bà Đào, ông Chính, bà Quý.

Đến nay, theo ông Hoàng Khánh Huy, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường,  cơ quan này vẫn chưa nhận được sự chỉ đạo nào liên quan đến việc thu hồi đất nên chưa tiến hành.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh Thanh tra Sở VH-TT-DL tỉnh Thừa Thiên - Huế,  cho rằng khu vực này giá đất khá cao, nếu không sớm thu hồi thì các hộ dân sẽ bán cho những người khác. Khi đó sẽ rất khó và thiệt hại cho những người mua. 

Hai phương án giải quyết

Thanh tra tỉnh Thừa Thiên - Huế đề nghị 2 phương án giải quyết đối với các hộ sinh sống trong khu vực di tích lăng mộ Tuy Lý Vương. Theo đó, tỉnh cần bố trí đất tái định cư, kinh phí hỗ trợ cho các hộ khi giải tỏa hoặc cương quyết thu hồi đất đối với các hộ ở khu vực bảo vệ 1 của di tích; tại khu vực bảo vệ 2 với 8 hộ, có thể cho tồn tại nhưng cần quy định cụ thể về kiến trúc, cảnh quan, chiều cao công trình và mật độ xây dựng.

Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có phương án nào được thực hiện.

Kỳ tới:  Sai phạm tràn lan

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo