Ông Jairo Acuna Alfaro nhận định nhiều khả năng là do người dân chưa tin vào các cơ quan phòng chống tham nhũng. Khi hỏi tại sao không tố giác, trên 50% cho rằng tố giác không mang lại lợi ích gì, rồi còn sợ bị trả thù hoặc thủ tục tố cáo, tố giác quá rườm rà.
Đại diện Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam ủng hộ khảo sát của ông Jairo Acuna Alfaro bởi một khảo sát của WB phối hợp với Thanh tra Chính phủ (năm 2012) cũng cho thấy hơn 50% người dân sợ bị trả thù nên không tố cáo chống tham nhũng.
Ngay tại hội thảo, ông Ngô Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) - “phản pháo” khi nói không có căn cứ nào xác thực trên 50% người cho rằng tố cáo không mang lại lợi ích gì.
Muốn biết phản ứng của người đang ở các cơ quan thực thi chống tham nhũng và của dư luận đúng sai thế nào thì phải nhìn vào thực tế. Nói người dân hào hứng tố cáo tham nhũng hẳn là rất khó khi tham nhũng chỉ xảy ra ở cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước. Phần lớn nguồn lực để nuôi sống bộ máy ở đó là từ thuế do dân đóng góp, cho nên người dân hẳn sẽ phải hào hứng bảo vệ cái mà họ đổ mồ hôi, công sức, trí tuệ để đóng góp. Họ hoàn toàn có lý với việc bức xúc khi thấy công chức, viên chức khai báo xuất thân từ bần cố nông hay tài sản không có gì, tài trí bình thường, chức vụ cũng bình thường nhưng bỗng chốc giàu lên bất thường hoặc là khi bị “người nhà nước” gạ gẫm, hù dọa, gây khó dễ. Tuy nhiên, từ bức xúc đến tố cáo là khoảng cách quá xa bởi người dân làm sao có quyền kiểm soát những gì xảy ra trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước?
Nói như vậy để thấy trong phòng chống tham nhũng, phát hiện của người dân rất đáng trân trọng nhưng để họ tố cáo, tố giác với chứng cứ cụ thể, xác thực thì rất khó. Không có chứng cứ thì sẽ không thuộc diện để áp dụng chế định bảo vệ người tố cáo chống tham nhũng theo quy định trong Luật Tố cáo.
Cho nên, để phòng chống tham nhũng, trước hết nên trông chờ vào các cơ quan chuyên trách phòng chống tham nhũng mà nước ta đã có hàng loạt những cơ quan như thế. Vấn đề là các cơ quan này đã chọn được đội ngũ công chức, viên chức thực sự quyết liệt phòng, chống tham nhũng hay chưa. Có quyết liệt nhưng nếu thể hiện bằng hô hào, thậm chí còn nhân chống tham nhũng để tham nhũng thì sẽ quá xa vời mục tiêu phòng, chống tham nhũng. Không quy chụp tất cả nhưng những chuyện như thế cũng đã xảy ra trong thực tế, hỏi làm sao dân còn hào hứng tố cáo tham nhũng đến cơ quan chức năng?
Bình luận (0)