Gần đây, nhiều hành khách của Vietnam Airlines (VNA) tỏ ra khá bất ngờ khi máy bay vừa hạ cánh, tiếp viên đọc thông báo “… để bảo đảm an toàn, đề nghị quý khách tắt điện thoại di động hoặc chuyển sang chế độ trên máy bay (Fly mode)”. Điều này có nghĩa khi máy bay đã hạ cánh, hành khách có thể được bật và sử dụng điện thoại di động để chơi game, nghe nhạc… nhưng không được thực hiện các cuộc gọi hoặc nhắn tin.
Nhiều hãng đã cho “alô” trên máy bay
Ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia ngành hàng không, cho biết quy định về sử dụng điện thoại di động đã được nhiều hãng hàng không quốc tế nới lỏng từ 2 năm trước. Ví dụ, hãng Tiger Airways, khi máy bay tiếp đất, tiếp viên ngay lập tức thông báo cho phép hành khách sử dụng điện thoại di động. Các hãng hàng không khác của Singapore hay các nước Trung Đông như Emirates Airlines, Etihad Airways cũng đã áp dụng quy định tương tự.
Trên website của hãng hàng không Cathay Pacific cũng cập nhật thông tin cho hành khách về việc cho phép sử dụng một số thiết bị điện tử trong quá trình máy bay chạy xả đà, vào nhà ga, trong đó có điện thoại di động.
Trước đây, các thiết bị như vậy chỉ có thể được sử dụng sau khi máy bay cất cánh và phải được tắt trước khi hạ cánh, áp dụng đối với tất cả các hãng hàng không trên thế giới. Đến năm 2013 và 2014, Cục Hàng không Liên bang Mỹ (CAA) và Cơ quan An toàn hàng không châu Âu (EASA) cho rằng việc sử dụng điện thoại di động không gây nguy hiểm cho an toàn bay. Để áp dụng tiêu chuẩn an toàn mới này, các hãng hàng không buộc phải đánh giá tác động của việc cho phép hành khách gọi điện trên máy bay và chứng minh điều đó không nguy hiểm cho an toàn bay.
Không chỉ có nhu cầu sử dụng điện thoại di động, ngày càng có nhiều hành khách đi máy bay đem theo các thiết bị điện tử cá nhân nên đa số các hãng hàng không trên thế giới đã nới lỏng quy định sử dụng thiết bị điện tử để phục vụ lợi ích của khách hàng.
Việt Nam vẫn thận trọng
Hiện nay, các hãng hàng không của Việt Nam vẫn rất thận trọng với quy định sử dụng thiết bị điện tử trên máy bay. Jetstar Pacific và Vietjet Air thậm chí vẫn chưa cho phép hành khách được bật nguồn điện thoại khi máy bay đã hạ cánh.
Ông Hoàng Hải Trình, Phó trưởng Phòng An toàn Hàng không - Cục Hàng không Việt Nam, cho biết năm 2015, Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) đã gửi tài liệu hướng dẫn về vấn đề này. Về nguyên tắc, Cục Hàng không Việt Nam không cấm các hãng cho phép hành khách sử dụng điện thoại trên máy bay trong giai đoạn cất/hạ cánh. Nhưng muốn triển khai theo tài liệu hướng dẫn của ICAO, các hãng hàng không Việt Nam phải tự đánh giá và chứng minh rằng việc sử dụng điện thoại tại thời điểm này không ảnh hưởng đến hệ thống dẫn đường máy bay. Trên cơ sở đó, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phê chuẩn cho thực hiện. Cho đến nay, chưa có hãng hàng không nội địa nào triển khai việc này.
Theo ông Đinh Đức Tuấn, Phó trưởng Ban An toàn, Chất lượng và An ninh của VNA, hiện nay chưa có đủ dữ liệu cho thấy máy bay đã tiếp đất là “bình an vô sự”. Gặp thời tiết xấu, tầm nhìn chỉ 75 m, phi công vẫn có thể hạ cánh, sau đó phải để chế độ tự động cho máy bay tiếp tục chạy trên đường băng. Nếu hàng chục chiếc điện thoại di động đều hoạt động vào lúc đó thì chưa thể biết có ảnh hưởng đến hệ thống dẫn đường, có khiến máy bay lệch khỏi đường băng hay không.
VNA hiện nay vẫn tuân thủ quy trình của Hiệp hội Hàng không quốc tế (IATA) là nêu cao vai trò giám sát của tiếp viên với hành khách sử dụng điện thoại. Sử dụng điện thoại trên chuyến bay này có thể gây nhiễu sóng cho máy bay khác. Khi máy bay đến gần đường băng, phi công vẫn được khuyến cáo phải tắt một số thiết bị khi có máy bay khác cất/hạ cánh.
“Chính sách của VNA đặt an toàn là mục tiêu hàng đầu, sau đó mới đến mục tiêu đúng giờ, thuận lợi và kinh tế. Tuy nhiên, VNA vẫn tiếp tục trao đổi với các hãng hàng không là thành viên IATA và cập nhật chính sách về quy trình sử dụng thiết bị điện tử cầm tay để tạo thuận lợi cho hành khách nhưng vẫn bảo đảm an toàn cho các chuyến bay” - ông Tuấn nói.
Bình luận (0)