Chị Út Tịch là nhân vật nổi tiếng trong tác phẩm Người mẹ cầm súng của nhà văn Nguyễn Thi. Tác phẩm này nhà văn không hề hư cấu mà đưa nguyên xi những gì thực nhất vào chuyện.
Gần nửa thế kỷ sau khi tác phẩm ra đời, xã Tam Ngãi (huyện Cầu Kè - Trà Vinh) quê hương chị Út Tịch đã thay da đổi thịt, nhưng 2 người con trai của chị Út lại nghèo rớt mồng tơi...
Chị Út Tịch
Nhiều bạn đọc vẫn nhớ như in nhân vật “thằng Hiển ngọng” trong Người mẹ cầm súng với câu hát cửa miệng “Ang em ta như ạn con ùi; nó có dúng mình có dao găm; nó éo cò thì mình ảy ô đâm”. “Thằng Hiển” ngày nào giờ đã là người đàn ông trung niên 50 tuổi, đang sống tại nơi chôn nhau cắt rốn ngày nào.
Làm khách nhà “Hiển ngọng”
Từ TPHCM, băng qua Long An, Tiền Giang, qua cầu Rạch Miễu của Bến Tre rồi qua phà Cổ Chiên để đi huyện Cầu Kè là con đường ngắn nhất để đến quê hương Tam Ngãi của chị Út Tịch.
Cách đây hơn chục năm, từ TPHCM muốn đi Tam Ngãi phải vượt quãng đường gần 250 km, nay nhờ có cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, đường đi rút ngắn gần 100 km. Nói thế để thấy sự thay da đổi thịt từng ngày trên vùng đất ĐBSCL này.
Trên đường xuôi về vùng đất nổi tiếng trong tác phẩm Người mẹ cầm súng mà hồi còn học ở bậc phổ thông cơ sở, tôi gần như thuộc nằm lòng, nhiều lần tôi chợt bật cười một mình khi nhớ tới nhân vật “thằng Hiển” mới 2 tuổi rưỡi đã biết ôm súng của mẹ hát bài đánh Mỹ. Trong đầu tôi cứ miên man suy nghĩ, “thằng Hiển” ngày xưa không biết bây giờ ra sao?
Chuyện nhậu của anh Hiển thì khỏi phải nói, vì theo lời người dân ở thị trấn Cầu Kè, anh là tay nhậu “có số má” trong làng tiên tửu xứ Cầu Kè. Đến huyện Cầu Kè, hỏi nhà anh Hiển - con chị Út Tịch, ai cũng chỉ rành rọt: “Nhà Lâm Thanh Hiển đối diện cổng nghĩa trang liệt sĩ huyện Cầu Kè. Nhà chính của anh Hiển nhỏ xíu, mái lá xen với tôn xập xệ. Kế bên là dãy nhà cấp 4 gồm 5 phòng nằm khuất trong vườn nhãn, ở cổng gắn cái biển hiệu to đùng ghi nhà trọ Thanh Hiển”.
Tôi định bụng ghé nhà anh Hiển vào buổi chiều để có thể ngồi “lai rai” với anh. Thế nhưng dự định đó đã không thành khi tôi đăng ký thuê phòng tại đây và gặp cô “tiếp tân” là đứa bé tên Quyên Quyên chỉ mới 10 tuổi.
Tôi hỏi: “Ba Hiển đâu?”, cô bé đáp: “Ba con nhậu say ngủ rồi”.
Sau khi nhận phòng, tôi đi thử một vòng qua quan sát dãy nhà trọ “siêu bình dân” (giá 60.000 đồng/ngày) của anh Hiển. Các phòng đều khá nhỏ, không có cửa sổ, cửa chính không có khóa, chỉ có chốt bên trong. Đi hết dãy phòng, tôi phát hiện mình là lữ khách duy nhất của nhà trọ Thanh Hiển…
Hiển của đời thường
Có lẽ do vẫn còn mệt vì độ nhậu ngày hôm trước nên mãi đến 7 giờ sáng ngày hôm sau tôi mới được “diện kiến” nhân vật từng gây ấn tượng cho mình hồi còn tuổi học trò. Ngồi trước mặt tôi là “thằng Hiển ngọng” bằng da, bằng thịt giờ đã là một người đàn ông trung niên tuổi 50.
Hai bố con Lâm Thanh Hiển
Màu da ngăm đen sạm nắng, hai tay có nhiều sẹo nên trông rất ấn tượng, lại thêm khuôn mặt hơi lạnh lầm lì, khác hẳn với “thằng Hiển ngọng líu” ngày xưa từng khiến người đọc cười rũ rượi.
Thế nhưng, khác hẳn với bề ngoài trông có vẻ xù xì, anh Hiển khá cởi mở và thân thiện với người bạn xa lạ là tôi. Chỉ qua vài câu xã giao, anh đã ngoái cổ vào nhà kêu vợ: “Bắt con gà nấu cháo em ơi, nhà có khách, nói chuyện suông coi bộ hổng được”.
Thấy tôi xua tay từ chối, vợ anh Hiển cười xòa: “Nghèo thì nghèo, có khách thì gà mái đang ấp trứng cũng phải thịt chớ!”. Nói xong, đã nghe tiếng con gà kêu cái "quác" vì bị chộp ngay lưng…
Theo lời anh Hiển, mẹ anh sinh tổng cộng 8 người con nhưng chỉ có anh và người em tên Lâm Thanh Hùng là con trai, còn lại toàn gái. Nhắc lại chuyện cũ, anh Hiển gần như thuộc làu làu, nhất là đoạn nói về cha mẹ cưới nhau trong tác phẩm Người mẹ cầm súng.
Mãi đến khi Út tham gia đánh đồn, được anh Tịch hướng dẫn cách ném lựu đạn, Út mới ưng anh Tịch vì lý do đơn giản: “Cái tướng chọi lựu đạn coi ngon vậy thì đánh giặc giỏi”. Vậy là năm 1951, họ thành vợ thành chồng. Năm 1961, Lâm Thanh Hiển ra đời. Trước Hiển, chị Út đã sinh 5 người con (1 đã mất từ nhỏ) nên Hiển được coi là “cậu Bảy” trong gia đình (ở miền Nam, con đầu là thứ hai).
Sau khi sinh Hiển, chị Út Tịch sinh thêm đứa con trai tên Lâm Thanh Hùng (năm 1962) và Lâm Thị Xuân Hồng (đã có gia đình ở tại Cầu Kè). Khi cô út Xuân Hồng sinh ra được 14 ngày thì chị Út Tịch hy sinh tại Gò Quao - Kiên Giang do bom B.52 Mỹ ném ngày 27-11-1968.
Trong trận đánh này, Xuân Hồng bị bom hất xa hàng chục mét nhưng may mắn không bị thương, chỉ bị vài vết trầy xước nhẹ trên da. “Nghĩ mà thương ông già tui quá, con út (Xuân Hồng – PV) mới 14 ngày tuổi, y như con mèo hen mà ổng cho uống nước cơm, rồi đi bú nhờ mà vẫn lớn như thổi” - Bảy Hiển bồi hồi nhớ lại.
Bài 2: Ăn nhờ ở đậu... trên quê hương
Bình luận (0)