xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện đời tướng biệt động

AN QUÝ

Trong pho sử huyền thoại về Biệt động Sài Gòn - Gia Định, vị chỉ huy trưởng Tư Chu có lẽ cũng chiếm vài chương. Cuộc đời ông chở theo bao huyền thoại và luôn đong đầy tình đồng đội, đồng chí chân thành

Tôi đốt nén nhang, kính cẩn nghiêng mình bên di ảnh cố đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) - nguyên Phó Tư lệnh kiêm Chỉ huy trưởng Các Lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Trên vách tường gần đó là tấm ảnh ông ngồi cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất ấm cúng, thân tình. Cách đó không xa là danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân dành cho ông, đề ngày 3-1-2012. Mang hàm cấp tá nhưng là chỉ huy cao nhất của biệt động thành nên ông Tư Chu thường được gọi là “tướng biệt động”. Ngôi nhà thoáng đãng, yên ắng được che bóng bởi nhiều cây xanh, nằm ở khu Thảo Điền ven sông Sài Gòn dịu mát là nơi tập hợp của các gia đình biệt động vào mùng 6 Tết hằng năm. “Sắp tới đám giỗ lần thứ hai của ông xã tôi rồi (ông mất ngày 16-5-2012 - NV). Năm nào nhà tôi cũng làm giỗ bộ đội biệt động, chỉ mỗi năm nay tôi bệnh nên không làm” - bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ), vợ ông Tư Chu, bộc bạch.

Người con xứ Bắc của cách mạng miền Nam

Nguyễn Đức Hùng sinh năm 1928, quê xã Ích Hậu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm lên 8, vào Nha Trang kiếm sống, sau đó vào Sài Gòn tham gia cách mạng từ năm 1945.

Vào Nam, ông được gửi đi học một khóa Quân chính của Quân khu 7 ở Hội Đồng Sầm (Đồng Tháp Mười) rồi được phân công về Sài Gòn - Chợ Lớn công tác với nhiệm vụ là xây dựng cơ sở vũ trang và hoạt động quân sự. Lúc này, giặc Pháp đã bình định xong nội thành Sài Gòn - Chợ Lớn, chuẩn bị đưa quân viễn chinh đánh chiếm tiếp các tỉnh khác ở Nam Bộ. Năm 1947, Nguyễn Đức Hùng được điều ra khu giải phóng để chỉ huy một đơn vị tập trung thuộc Chi đội 6, Trung đoàn 306 miền Đông Nam Bộ, sau đó được điều về phía Tây Nam Sài Gòn chỉ huy một đơn vị biệt động, có phiên hiệu 2766, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, chuyên tổ chức các trận đánh đột kích vào lòng địch. Đối thủ trực tiếp một mất một còn của Biệt động 2766 là bọn PSE Gia Định (Cảnh sát đặc biệt miền Đông) đóng tại bót Hàng Keo Gia Định. Đây là bọn Việt gian, bắt giết quân dân ta hết sức dã man; Biệt động 2766 lên kế hoạch phải diệt cho bằng được.

 

Bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ) kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình và người chồng - ông Tư Chu (cố đại tá Nguyễn Đức Hùng), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động 
Sài Gòn - Gia Định Ảnh: PHẠM DŨNG
Bà Đoàn Thị Nhỏ (Tư Nhỏ) kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình và người chồng - ông Tư Chu (cố đại tá Nguyễn Đức Hùng), nguyên Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn - Gia Định Ảnh: PHẠM DŨNG

 

Ngày 1-10-1949, Biệt động 2766 với 30 chiến sĩ do Nguyễn Đức Hùng chỉ huy bất ngờ tập kích bót Hàng Keo Gia Định, khiến địch thiệt hại nặng nề. Tiếng lành về biệt động vang xa và cũng từ đó, tinh thần, bản sắc của biệt động Sài Gòn (sau này) đã hình thành.

Rồi ông lại tập kết ra Bắc, đến tháng 3-1961 thì nhận lệnh trở vào miền Nam. Ông trở lại miền Nam trong đội hình đoàn Phương Đông 1 vào tháng 5-1961, đến cuối tháng 8-1961 về vùng Bắc Củ Chi - đã được giải phóng sau Đồng Khởi 1960. Những năm đầu, ông được giao nhiệm vụ phụ trách quân báo và địch tình (1962-1963). Đến khi tổ chức quân báo mở rộng hoạt động, cơ quan quân sự có nhờ địa phương tìm giúp một cán bộ tính tình kín đáo, thông thuộc địa bàn, đã qua công tác dân vận. Và chính yêu cầu này đã cho ông cơ duyên gặp bà Tư Nhỏ - vợ ông sau này.

Phải lòng “con gái Củ Chi”

Huyện ủy Củ Chi giới thiệu bà Tư Nhỏ. Ông Tư Minh (một trong những bí danh của ông Nguyễn Đức Hùng lúc đó, sau này đổi thành Ba Tam, Tư Chu) là thủ trưởng trực tiếp của bà. Đó là tháng 11-1962. Cô con gái thứ tư trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở xã An Nhơn Tây của vùng đất thép Củ Chi này ban đầu không nghĩ rằng mình sẽ nên duyên vợ chồng với một cán bộ chỉ huy quân báo người Bắc. Còn ông, tình cảm nảy nở có lẽ bởi ông quá yêu đất và người nơi này, yêu như thấm vào da thịt: “Nước An Nhơn Tây vừa trong vừa mát/ Đường An Nhơn Tây pha cát dễ đi/ Con gái An Nhơn Tây mặt tựa hoa quỳ...”.

Nhớ lại những ngày ấy, bà kể: “Bộ dạng ảnh lúc đó chán lắm. Người gầy nhom, quần tà lỏn dài lòng thòng, rộng thùng thình, da xanh xám...”. Rồi bà cười hỉ hả: “Tổ chức muốn tác hợp tụi tôi thành vợ chồng; ảnh cũng chân thành, nói với tôi “anh theo cách mạng từ rất sớm, lại xa gia đình, rất cần có người bầu bạn”. Vậy là tôi chịu. Chiến tranh mà...”.

Đám cưới được tổ chức bí mật, gọn nhẹ vào đầu năm 1963 tại nhà ông bà Huỳnh Văn  Sáu (Tư Sao) - một gia đình Công giáo, chủ đồn điền ở Củ Chi rất gắn bó với cách mạng. Trà, rượu, thịt, bánh trái… hầu hết là cây nhà lá vườn; khách dự cũng toàn là đồng đội, đồng chí và người nhà Tư Nhỏ. Năm 1965, đứa con đầu lòng của họ - Nguyễn Lê Minh - chào đời. Một năm sau, bà Tư Nhỏ sinh tiếp con trai thứ hai, đặt tên là Nguyễn An Tây.

Cả nhà vào trận 

Trong đợt 1 tấn công vào 9 cơ quan đầu não của Mỹ - Ngụy ngay trong Tết Mậu Thân 1968, bà Tư Nhỏ làm nhiệm vụ đưa quân cho đội biệt động số 3, đánh Bộ Tư lệnh Hải quân ngụy. Từ sáng sớm mùng 1 Tết, bà mang theo con trai Nguyễn An Tây, khi đó mới 2 tuổi, bí mật đón các chiến sĩ biệt động ở Trảng Bàng (Tây Ninh), “bao” hẳn một cỗ xe lam chạy thẳng về Sài Gòn. Bà gửi con cho một cơ sở cách mạng ở gần Đại học Quốc gia hành chính ngụy (nay là đường 3 Tháng 2) rồi đưa quân tập kết ở nhà ông Mười Lợi trong khuôn viên chùa Tập Thành (đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh ngày nay). Khi đội 3 hội đủ quân số, bà được lệnh trở về cơ sở, khi ấy đã hơn 1 giờ sáng mùng 2 Tết. Đứa con trai thấy động, cựa mình thức giấc, bắt gặp mẹ liền cười tươi rói, khiến bà càng vững tin vào chiến thắng.

Nhưng rồi trận đánh vào Bộ Tư lệnh Hải quân không đạt kết quả như mong đợi vì hiệp đồng tác chiến phía ta bị “bể”. Hơn 8 giờ sáng mùng 2 Tết, Tư Nhỏ giật thót khi nghe lính ngụy phát loa từ trực thăng kêu gọi Việt cộng ra hàng và loan tin đã bắt được Tư Chu - Chỉ huy trưởng Biệt động Sài Gòn. Bà bủn rủn chân tay dù không tin đó là sự thật.

Trong khi đó, chồng bà còn đau lòng gấp bội. Làm sao không đau khi 5 đội biệt động do ông chỉ huy với 88 chiến sĩ trực tiếp cầm súng đã đơn độc chiến đấu trong lòng địch. Hầu hết đều chống trả đến viên đạn cuối cùng và hy sinh hoặc sa vào tay giặc, trong đó có nhiều người ông chưa kịp thấy mặt, nhớ tên... 

“Ấn tượng lớn nhất của tôi về anh Tư Chu đó là một người chỉ huy bản lĩnh, nhiệt tình và trong chừng mực nào đó có chất lãng mạn cách mạng. Anh đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong những chiến thắng của lực lượng biệt động” - cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Kỳ tới: Nợ nước, tình nhà

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo