xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chuyện một người mê chanh

Hoàng Văn Minh

Nguyễn Văn Hiển sở hữu cánh đồng chanh bạt ngàn, làm nên sản phẩm xuất khẩu cạnh tranh ngang ngửa những thương hiệu nước ngoài nhưng không chỉ đơn thuần là chuyện của chanh

Đang yên đang lành với nghề xây dựng, Nguyễn Văn Hiển bỗng rẽ ngang làm nông dân. Thắc mắc thì anh cười: "Số phận đưa đẩy chứ ban đầu tôi mua đất, trồng chanh chỉ vì nhớ quê nên làm cho vui chứ không nghĩ sẽ làm chuyện to tát". Nhớ quê mà nên sự nghiệp như Hiển thì ai cũng muốn được nhớ từng giây.

"Đơn giản vì tôi mê học"

"Mình quê ở xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam" - Hiển nói. "Tôi cũng miền Trung". Thế là 2 thằng xa lạ bỗng dưng ôm lấy nhau giữa phương Nam. Chuyện cứ thế bắt đầu bằng những hồi ức về quê hương của Hiển từ những bữa cơm độn sắn đến vị tanh của mắm cái chấm cà. "Nghèo đến mức có lần tôi bị viêm ruột thừa phải mổ cấp cứu mà nhà không có tiền, ba mẹ phải đi xin quanh bệnh viện để chạy chữa".

Hiển bảo những năm tháng đó, cũng như bao người miền Trung nghèo khó khác, Hiển được ba mẹ nuôi dưỡng chỉ một khát khao duy nhất là phải học thật nhiều, thật giỏi để có cơ hội thoát ly ra thành phố lập nghiệp. Hiển cũng nghĩ thế! Bởi vậy, thay vì học đại học ở Đà Nẵng hoặc Huế cho gần nhà, Hiển chọn thi vào một trường đại học ở TP HCM và học thêm ngành điện ở Trường Đại học Bách khoa TP HCM. "Lên xe vào TP HCM học, tôi chỉ có 500.000 đồng". Rồi Hiển tốt nghiệp đại học sau 4 năm lê lết vừa học vừa tranh thủ làm thêm đủ thứ nghề thượng vàng hạ cám miễn có tiền chính đáng để tự trang trải.

"Đó là những năm tháng vô cùng khốn khó. Càng khốn khó hơn khi nhà có đến 4 anh em cùng vào TP HCM học đại học bằng cách đó. Ngày ba mất, anh em tôi về Quảng Nam bằng xe đò. Xuống xe, hết tiền phải đi bộ hơn 30 km mới tới nhà khi gia đình đã an táng cho ba" - giọng Hiển chùng lại.

Chuyện một người mê chanh - Ảnh 1.

Trang trại chanh 150 ha của Nguyễn Văn Hiển ẢNH: NGUYỄN THỊ TUYẾT ÂN

Khổ thế nhưng Hiển vẫn say mê học. Tôi hỏi học nhiều thế để làm gì? Hiển gọn lỏn: "Đơn giản là vì tôi mê học".

Xong chuyện đèn sách, Hiển may mắn được nhận vào làm chân chạy việc ở một đơn vị. Anh nói: "May mắn là bởi xin việc làm người ta nhận ngay chứ không nhờ cậy, không phải đút lót đồng nào". Nhưng Hiển cũng chỉ làm được 5 năm vì thấy ở đó không có cơ hội phát triển.

Hiển bỏ việc, cùng bạn bè lập một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Khi có chút của ăn của để, Hiển bỗng "trở chứng" nhớ quê. Anh cùng mấy người bạn lang thang về vùng Bến Lức (tỉnh Long An) để mua một khu đất nằm dọc đường lộ. Khu đất còn rất hoang sơ, rộng khoảng 20 ha.

"Lúc đó, chỉ nghĩ là mua để dành, mai này làm cái trang trại kiểu vườn ao chuồng để cuối tuần bạn bè tụ tập cho đỡ nhớ quê. Một phần do nghề xây dựng phải bôn ba với các công trình, tối ngày cơm áo gạo tiền, rất cần một nơi để thư giãn. Nhưng mua xong, bỏ đất thấy lãng phí nên chúng tôi quyết định phải làm một cái gì đó". Đầu tiên, Hiển định trồng thanh long nhưng thôi bởi thấy đầu tư lớn. Dò hỏi người dân địa phương một số cây trồng nữa nhưng vẫn thấy không ăn thua, đặc biệt đầu ra không ổn định, luôn trong tình trạng chờ "giải cứu".

Trăn trở mãi, cuối cùng Hiển quyết định xuống các trường đại học ở miền Tây và đến Trường Đại học Nông Lâm TP HCM "thọ giáo" các chuyên gia nhằm tìm ra một cách làm mới tốt hơn cách của số đông nông dân đang làm.

"Nông dân đã thử nghiệm rất nhiều giống cây rồi nhưng không thành công nên mới bán đất cho mình để đi làm công kiếm cơm qua ngày. Bây giờ mình lại làm như cách họ đã thất bại thì cũng sẽ thất bại, trong khi mình có hiểu biết nhiều hơn họ nên nhất định phải có cách làm nào đó tốt hơn" - Hiển nói.

"Duyên cộng với may mắn"

Hiển nhiều lần lặp lại với tôi cụm từ này khi kể về việc gặp được Anh hùng Lao động - GS-TS Võ Tòng Xuân cùng nhiều chuyên gia đầu ngành khác về nông nghiệp. "Họ khuyên chúng tôi nên trồng chanh theo phương pháp hữu cơ gắn với thị trường xuất khẩu để tăng giá trị. Tôi thấy có lý nên nghe theo và ngay từ đầu, chúng tôi tuân thủ quy trình sản xuất của châu Âu để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài chứ không cạnh tranh với nông dân trong nước".

Từ một khu đất hoang sơ định làm trang trại cho đỡ nhớ quê, sau hơn 7 năm, Hiển đã có trong tay một cánh đồng chanh hơn 150 ha, nhìn hút tầm mắt. Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt với các sản phẩm gắn thương hiệu Chavi cùng ra đời từ đó.

Chuyện một người mê chanh - Ảnh 2.

Anh Nguyễn Văn Hiển

Hôm dẫn tôi tham quan cánh đồng chanh, Hiển bảo: "Đến giờ, có khi tôi vẫn không tin vào mắt mình bởi đây nguyên là đồng không mông quạnh, không điện, không nước, không đường... Những ngày vỡ đất, cứ chiều tối là chúng tôi phải kéo nhau về TP HCM vì không chịu nổi muỗi và vô số côn trùng".

Để trồng được chanh, việc đầu tiên là Hiển phải đầu tư hơn 3 tỉ đồng để kéo đường điện 3 pha và làm hơn 2 km đường bê tông.

Thời điểm đó, kéo điện và đắp đường là Hiển đã làm một việc vô cùng có ý nghĩa với người dân địa phương. "Ngày có điện về, chúng tôi vui một thì người dân vui mười vì ai có nhu cầu thì tôi cho lắp đồng hồ, cùng sử dụng để phục vụ sản xuất. Đặc biệt, nhờ có điện mà người dân nơi đây đóng được giếng bơm để lấy nước sinh hoạt thay cho nước mưa dự trữ và ao hồ. Rồi đường bê tông ban đầu cũng là cơ sở để sau này nhà nước làm đường ô tô có thể vào tận ngõ như các anh thấy bây giờ" - Hiển kể.

Nhưng trồng chanh đâu chỉ mỗi kéo điện, đắp đường là xong. Thế là sơ sơ hệ thống tưới tự động cho 150 ha cũng ngốn của Hiển thêm khoảng 7 tỉ đồng. Tôi thật sự choáng khi nghe Hiển tính từ tiền đất, hệ thống điện, nước, kho lạnh, nhà máy chế biến... thì tổng mức đầu tư của Công ty Thương mại và Đầu tư Chanh Việt đến thời điểm này đã tròm trèm con số 7 triệu USD nhưng chưa có dấu hiệu dừng lại bởi sắp tới, có nhiều phần việc mới cần phải đầu tư thêm.

"Xa rồi và nên từ bỏ kiểu làm ăn nhỏ lẻ. Làm nông nghiệp bây giờ là việc của người giàu, phải có đầu tư thật sự thì mới mong thành công" - một chuyên gia về nông nghiệp ở Đại học Cần Thơ đúc kết như vậy khi nói với tôi về chuyện sản xuất nông nghiệp. Nhưng tôi đã không tin cho đến khi gặp Nguyễn Văn Hiển và tận mắt chứng cánh đồng chanh không có đường chân trời của anh.

Kỳ tới: Đưa chanh Việt lên ngôi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo