Đây là nhận định của TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tại hội thảo “Kinh tế Việt Nam 2014: Vấn đề và giải pháp cho doanh nghiệp (DN)”, tổ chức hôm 21-2 tại TP HCM.
Thay đổi tư duy chiến lược
TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, nhận xét đến thời điểm này, những khó khăn của nền kinh tế bớt dần như lãi suất cho vay cao, số lượng DN giải thể hay phá sản… đã được cải thiện. Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát. Đến tháng 2-2014, hàng tồn kho của công nghiệp chế biến chỉ tăng 9,4% so với mức 21,5% cùng kỳ, số DN trong nước tạm ngưng hoạt động đã quay trở lại gần 11.800, thanh khoản ngân hàng (NH) thương mại ổn định hơn...
Theo ông Nghĩa, những ngành nào sụp đổ nhanh khi kinh tế khủng hoảng cũng sẽ phục hồi sớm nhất, như: dệt may, da giày, đồ gỗ, đồ nhựa... Các DN cần chú ý làm sao để tiếp cận thị trường và chiếm lĩnh ưu thế dài hạn, gắn kết được với Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương và các hiệp định thương mại tự do. Với ngành vật liệu xây dựng, dù đang cạnh tranh rất khốc liệt với bên ngoài, nhất là thị trường Trung Quốc, nhưng sẽ hồi phục mạnh. Thách thức của DN là phải sáng tạo để có những sản phẩm ổn định, được người tiêu dùng chấp nhận. Viễn thông cũng đang cổ phần hóa mạnh và là ngành chuyển nhượng nhiều trên thị trường quốc tế, được nhà đầu tư quan tâm nên sẽ “nóng” trong thời gian tới.
Tuy nhiên, có một thực tế là sự yếu kém về quản lý tài chính, quản lý DN đã, đang “giết chết” hàng ngàn DN. Rất nhiều DN xây dựng xong nhà máy là “chết” bởi vay tiền NH ngắn hạn nhưng đầu tư dài hạn, thiếu vốn lưu động. Thậm chí, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen Lê Phước Vũ dẫn chứng nhiều DN còn vay vốn NH với tư tưởng “được làm vua, thua làm giặc”. Có DN đầu tư nhà máy trị giá 10 triệu USD, đề nghị nhà cung cấp Trung Quốc nâng giá lên 20 triệu USD rồi nộp hồ sơ vay NH. Vay được 70% tổng vốn đầu tư là 14 triệu USD, DN bỏ túi 4 triệu USD rồi “chuồn”, phá sản để mặc NH, nền kinh tế gánh…
“Nếu tiếp tục làm ăn dựa trên “mối quan hệ” thì sẽ không thể tạo ra một DN đàng hoàng. Đến lúc các DN phải hành xử có trách nhiệm mới tạo được sự bền vững, căn cơ” - ông Vũ nói.
TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng để tận dụng cơ hội “trời cho” này, DN cần tái cấu trúc tư duy chiến lược, tính toán lại phân khúc thích hợp. Trong toàn bộ cấu trúc của DN, cần chọn khu vực nào là chủ chốt tạo ra lợi nhuận, khẳng định tính ưu việt so với đối thủ, tránh dàn trải nguồn lực sản xuất mà không biết đâu là lợi thế của mình.
Gây sức ép cổ phần hóa
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu cho rằng phải quyết liệt đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa DN nhà nước (DNNN). Đây là khu vực tập trung vốn liếng rất lớn của nền kinh tế nhưng hiệu quả rất thấp. Cổ phần hóa để nhà đầu tư nước ngoài thấy Việt Nam thật sự cải tổ nền kinh tế chứ không phải nói mà không làm. Lần này, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị gần như đầy đủ cơ sở pháp lý để cải cách. Hiện 100/101 tập đoàn, tổng công ty đã được duyệt đề án tái cấu trúc.
Theo các chuyên gia, vấn đề kỹ thuật trong quá trình cổ phần hóa DNNN rất phức tạp, như chuyện tìm công ty định giá bởi định giá DNNN thì các công ty tài chính và công ty chứng khoán trong nước không làm được mà phải thuê nước ngoài. Trong khi đó, việc công ty nước ngoài tự giới thiệu rồi nộp hồ sơ, đấu thầu… rất rắc rối và mất thời gian. Chẳng hạn, trước đây để cổ phần hóa Vietcombank, riêng khâu thủ tục mất 2 năm.
Lần này, để đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN, sẽ cắt bớt các vấn đề kỹ thuật, giải tỏa những rào cản pháp lý. Cụ thể, các tập đoàn, công ty nhỏ giao cho DN nội, chấp nhận giá tham chiếu thấp hơn. Đối với tập đoàn lớn, cần sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài để tiến hành thận trọng.
“Quá trình này phải công khai và minh bạch từng khâu. nếu không thì sẽ bị những người có lợi ích cá nhân cản trở khi đụng đến lợi ích của mình. Tuy nhiên lần này, Chính phủ gây áp lực thật sự: Ai không làm, ai cản trở sẽ bị xử lý” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Có thể hạ lãi suất cho vay
Theo Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Viết Mạnh, lãi suất huy động sẽ tiếp tục duy trì ổn định với mục tiêu lạm phát khoảng 7%. Hiện các NH thương mại đang dồi dào thanh khoản nên có thể giảm lãi suất cho vay từ 1%-2%/năm trong thời gian tới, với lãi vay ngắn hạn khoảng 9%/năm và trung - dài hạn khoảng 11%/năm. TS Võ Trí Thành lo ngại lãi suất cho vay phụ thuộc lớn vào tính dồi dào và thanh khoản của NH thương mại, cùng với sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Năm nay và năm tới, rất nhiều trái phiếu Chính phủ sẽ được phát hành, đẩy lãi suất cho vay tăng cao. Ngoài ra, NH chỉ có thể giảm lãi suất cho vay nếu giải quyết được nợ xấu.
Bình luận (0)