xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có oan cho khỉ?

Hồ Đăng Thanh Ngọc

Ngày xưa, người buôn bán thường kiêng nghe nói từ “con khỉ”, ngày Tết lại càng kiêng. Dân gian đã hiểu “khỉ” là xiên xẹo, ngoắt ngoéo. Dân gian cũng thường đem khỉ gán cho kẻ muốn chửi: đồ khỉ, khỉ gió, khỉ mốc, khỉ khô…

Những năm 1970, chiến tranh không chỉ nằm trong những câu chuyện về tiếng hót của Oiseau de guere - con chim chiến tranh mà tôi thỉnh thoảng nghe nhiều anh chị sinh viên đến nhà chơi nhắc đến, trước lúc đốt đuốc xuống đường. Tôi cảm nhận sự điêu linh khá rõ khi cùng cha từ Huế qua đèo Hải Vân vào Đà Nẵng. Xe bị hỏng trên đỉnh đèo đầy hoa lau trắng xóa và mây trắng ngợp trời. Những hành khách trên xe kéo nhau xuống vệ đèo hút thuốc và nói chuyện về chiến tranh, về bom rơi đạn lạc, về người còn kẻ mất, về cửa nát nhà tan... Bất ngờ từ trong rừng sâu, tiếng vượn hú xao xác cả rừng chiều.

Kiêng khỉ ra mặt

Những người lớn tuổi nghe tiếng vượn hú tỏ ra mừng rỡ. Tiếng vượn hú lúc đó đồng nghĩa với tin báo chiến sự đã tạm rời khu vực này. Chao ơi, chim kêu vượn hú, cái tiếng kêu sao mà gợi niềm cô liêu hoang vắng lạ lùng.

Nghệ nhân ca Huế, cô Minh Mẫn, từng ca rất hay “Lý qua đèo” kể cái tích Huyền Trân: “Chiều chiều dắt bạn qua đèo/Chim kêu bên nớ, vượn trèo bên ni”. Nhà nghiên cứu Huế Bửu Ý nghe xong bao giờ cũng rưng rưng: “Ca chi mà hay rứa, nghe mà thấy hay đến nhức xương”. Cái đỉnh đèo Hải Vân này, bao nhiêu chứng tích lịch sử đã gắn liền da diết với tiếng vượn hú bên đèo?

Ca dao nhắc đến con vượn bao giờ cũng buồn: “Má ơi đừng gả con xa/Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu”. Vượn vào cả trong thi ca, với tâm sự hoang hoải: “Nhạn về én lại bay đi/Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm” (Tản Đà) hay nỗi niềm u ám: “Rồi những đêm sâu bỗng hiện về/Vượn lâm tuyền khóc rợn trăng khuya/Đâu đây u uất hồn sơ cổ/ Từng bóng ma rừng theo bước đi” (Đinh Hùng)…

Lai rai chuyện khỉ mà nhắc con vượn trước là bởi nó cùng loài khỉ, vả lại con vượn gần người hơn. Còn khỉ thì sao? Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư cho biết ở Việt Nam, con khỉ từ năm 1651 đã có tên trong “Từ điển Alexandre de Rhodes” (1651). Trước đó thì khỉ không có trong các sách viết chữ Hán, chỉ xuất hiện trong các văn bản chữ Nôm hay quốc ngữ. Nhưng Nguyễn Dư có vẻ khoái nhất khi phát hiện ra việc những năm 1930, văn học Việt Nam xuất hiện cái tên “bú dù”, “bú rù” là nhắc đến con khỉ: “Con bú dù vốn loài tinh quái/Khi bỏ đời xuống dưới âm cung…/Bộ múa may lại hệt khỉ già/Thực là khỉ vẹt tinh hoa?” (Tú Mỡ, “Ba kiếp con bú dù”, 1934). Vũ Trọng Phụng năm 1937 viết “Đi săn khỉ” đăng Tạp chí Đông Dương cũng nhắc con “bú rù” là con khỉ.

Có phải sách chữ Hán xưa không viết con khỉ như Nguyễn Dư nói? Tôi vào kinh thành Huế xem Cửu đỉnh do triều Nguyễn đúc thì thấy trên đó khắc 9 con thú lớn 4 chân: hổ, voi, báo, tê giác, ngựa, bò tót, dê, heo, hươu, tuyệt không có con khỉ. Hay là khỉ bị kiêng?

Dân gian thì kiêng khỉ ra mặt: Xưa, người buôn bán thường kiêng nghe nói từ “con khỉ”, ngày Tết lại càng kiêng. Nguyễn Dư nghiên cứu chuyện này giải thích là tại mấy ông đồ đã đem rao giảng mớ chữ nghĩa quê mùa cho dân quê.

Dân gian thường đem khỉ gán cho kẻ muốn chửi: đồ khỉ, khỉ gió, khỉ mốc, khỉ khô… Ảnh: Kỳ Nam
Dân gian thường đem khỉ gán cho kẻ muốn chửi: đồ khỉ, khỉ gió, khỉ mốc, khỉ khô… Ảnh: Kỳ Nam

“Tự điển Thiều Chửu” có chữ “khỉ” (bộ mịch), nghĩa là: các thứ hoa lụa có hoa bóng chằng chịt, không dùng sợi thẳng, đều gọi là khỉ; xiên xẹo, lầm lẫn - khỉ đạo là đường lối ngoắt ngoéo như vằn tơ xiên xẹo; tươi đẹp. Dân gian đã hiểu “khỉ” là xiên xẹo, ngoắt ngoéo… Dân gian cũng đem khỉ gán cho kẻ muốn chửi: đồ khỉ, khỉ gió, khỉ mốc, khỉ khô, khỉ họ… Có oan cho khỉ không?

Ngày Tết, nhâm nhi vài ly rượu xây chừng thì khoái nhất là nhậu ở miền Tây Nam Bộ. Đi qua cầu khỉ vô nhà người thương nhậu càng vui. Nhưng mà tại sao lại kêu “cầu khỉ”? Rõ ràng là cầu bắc cho người thương đi, sao lại kêu cầu khỉ?

Dè chừng “trò khỉ”

Nhiều truyền thuyết kể rằng khỉ mẹ khóc mất con, khỉ chồng khóc mất vợ hay vợ khóc mất chồng, thường sau đó chết vì ruột đứt ra từng đoạn. Nỗi đau đoạn trường tức là nỗi đau đứt ruột mà chết vậy.

Khỉ là loài hay bắt chước, con người phải dè chừng. Nhà văn Trần Bảo Định khi viết truyện ngắn “Thất Sơn, buồn vui trò khỉ” đã kể một chuyện không biết có thật không: Hai vợ chồng nọ không có con, nuôi con khỉ sống với họ hết sức ân tình. Họ coi khỉ như con. Nhiều khi 2 vợ chồng “ham vui” để con khỉ nhìn thấy. Khỉ ta bèn tò mò bắt chước.

Gặp lúc người chồng đi vắng, khỉ bắt chước trò “ham vui” ấy. Chồng về bắt gặp, đánh khỉ thừa sống thiếu chết, vợ phải van lạy mới tha cho. Sau đó một thời gian thì khỉ bỏ nhà đi mất dạng, tìm ở đâu cũng không thấy… Chuyện hết sức nhân bản, người đọc chiêm nghiệm từ đó được nhiều điều.

Cách đây gần một năm, vào tháng 3-2015, những nhân viên kiểm lâm trên đỉnh Bàn Cờ (Đà Nẵng) đã vây bắt thành công một con khỉ, loài linh trưởng nằm trong sách quý, vì cái tội hay quấy nhiễu du khách, đặc biệt là khách nữ. Trước đó, năm 1997, tôi cùng nhà thơ Thái Ngọc San (viết báo ký tên Ngọc Thảo Nguyên) vào bản Giồng, A Rí, đầu nguồn sông Hương. Người dân tộc Cà Tu trong bản kể chuyện những năm chiến tranh, nơi đây có bầy khỉ thường xuống quấy phá chị em mỗi buổi chiều lúc họ ra suối tắm. Chiến tranh ác liệt nào đâu chỉ bom đạn!

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 15-2

 

Lời cảnh báo

Thế giới có một tác phẩm văn học nổi tiếng: “Hành tinh khỉ” - tiểu thuyết viễn tưởng của Pierre Boulle, xuất bản lần đầu vào năm 1963 bằng tiếng Pháp có tên là “La Planète des Singes”. Nghĩa của từ singe bao gồm cả “vượn” và “khỉ”. Câu chuyện kết thúc nơi từng bắt đầu, cặp khỉ cười lớn cho rằng “làm gì có con người từng tồn tại trên hành tinh này”.

Pierre Boulle bi quan về tương lai và mất niềm tin vào con người. Trong cảm quan của ông, tương lai trên trái đất này, loài khỉ sẽ thống trị. Bởi lẽ, khi khoa học kỹ thuật phát triển ồ ạt, máy móc thay thế con người làm tất cả mọi thứ, kể cả tư duy và tình cảm, lúc đó loài người sẽ trở nên lười biếng, thụ động và tự triệt tiêu các phẩm tính của mình. Còn loài khỉ ham bắt chước, chịu động não suy nghĩ sẽ trở thành chủ nhân hành tinh xanh…

Lời cảnh báo đó, nghĩ cho cùng nào phải là không có lý?

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo