xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Có tiêu cực trong tuyển tiếp viên, phi công!

THÁI PHƯƠNG thực hiện

Đó là nhận định của ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, sau khi tiếp viên của Vietnam Airlines bị bắt giữ ở Nhật vì mang hàng xách tay nghi có nguồn gốc trộm cắp

* Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc tiếp viên của Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo - Nhật bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng trộm cắp?

img

- Cục trưởng Lại Xuân Thanh: Đây là vụ việc nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của người Việt Nam nói chung cũng như các hãng hàng không trong nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và pháp luật về hàng không dân dụng. Vụ việc cũng là nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không nội bộ. Đối với ngành hàng không, phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối nên hành vi vi phạm của các nhân viên có nguy cơ rất lớn đến an ninh, an toàn. Khi nhân viên hàng không vi phạm, liên tục phục vụ cho đường dây ăn cắp để thu lợi bất chính thì có thể dễ dàng làm những việc khác như vận chuyển vật nguy hiểm hoặc tìm cách vận chuyển vật nguy hiểm…

* Không ít lần tiếp viên hàng không bị bắt quả tang khi buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép… trong khi đây là nghề có thu nhập cao, được nhiều người mong muốn, vì sao thưa ông?

- Thực tế, tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao so với mặt bằng chung nhưng lại làm việc trong môi trường rất nhiều cám dỗ và dễ bị cám dỗ. Tiếp viên trên các chuyến bay đi từ nước này qua nước khác khiến họ dễ dàng kiếm thêm thu nhập bằng con đường khác, giống như làm thêm. Môi trường làm việc có cơ hội để kiếm thêm thu nhập chứ không hẳn do thiếu tiền và tiếp viên không chống lại được các cám dỗ đó thì rất dễ vi phạm.

Tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn ThẠnh
Tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao. (Ảnh chỉ có tính minh họa)Ảnh: Tấn ThẠnh

* Dư luận đặt vấn đề phải chăng do đầu vào của nhân viên ngành hàng không phải “chung chi” nhiều, như muốn được tuyển vào làm tiếp viên phải mất 25.000 USD, phi công 50.000 USD, không lưu 15.000 USD… nên họ phải “làm thêm” để bù đắp chi phí?

- Đúng là có dư luận xung quanh việc này và tôi cũng không loại trừ khả năng có tiêu cực trong tuyển chọn tiếp viên, phi công. Vấn đề đặt ra là phải chấn chỉnh, kiểm soát chặt khâu tuyển dụng nhưng không dễ ngăn ngừa. Về mặt tiêu chuẩn, cục sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với nhân viên hàng không nhưng các hãng hàng không, doanh nghiệp mới là đơn vị tuyển dụng.

Tôi thấy tiêu cực thường xảy ra ở những trường hợp không đáp ứng được tiêu chuẩn nên phải dùng tiền để vượt qua. Hơn nữa, nhu cầu của doanh nghiệp chỉ cần 5 tiếp viên nhưng có 10 người nộp đơn nên việc chống tham nhũng phụ thuộc doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải minh bạch quá trình tuyển dụng.

* Theo thông tư do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành, các trường hợp vi phạm như buôn lậu, vận chuyển hàng xách tay trái phép, tiêu thụ đồ ăn cắp… của nhân viên hàng không sẽ bị tước giấy hành nghề vĩnh viễn. Đối với trường hợp tiếp viên của Vietnam Airlines bị Nhật bắt giữ thì sao, thưa ông?

- Từ đầu năm 2014, thông tư về kỷ luật đặc thù của ngành hàng không có hiệu lực. Theo đó, những hành vi vi phạm về kỷ luật, an ninh, an toàn hàng không, ăn cắp, sử dụng ma túy, cố ý gây ra tai nạn hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng, lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa… sẽ bị đuổi khỏi ngành và không đơn vị nào trong ngành hàng không được phép sử dụng lại lao động này.

Đối với trường hợp của tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc, Cục Hàng không Việt Nam đang cân nhắc và tùy thuộc vào Vietnam Airlines. Nếu đúng như báo chí Nhật và Việt Nam đưa tin, vụ việc xảy ra vào tháng 9-2013, trong khi thông tư của Bộ GTVT có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng không đề cập hồi tố nên cục chỉ khuyến cáo doanh nghiệp và phụ thuộc vào hợp đồng lao động của nhân viên này.

* Từ vụ việc này, Cục Hàng không có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát đối với các nhân viên, tiếp viên của các hãng hàng không?

- Như tôi đã nói, từ đầu năm, với việc ban hành thông tư về kỷ luật đặc thù là một biện pháp răn đe, cảnh tỉnh có tác dụng rất lớn đối với người lao động trong ngành hàng không. Ngay cả việc uống rượu, có hơi men khi làm việc cũng bị xử lý nghiêm theo thông tư này thay vì chỉ xử lý kỷ luật nội bộ doanh nghiệp. Qua vụ việc này, cục tiếp tục có văn bản yêu cầu chấn chỉnh toàn hệ thống, tăng cường biện pháp kiểm soát nội bộ để loại trừ các hành vi vi phạm.

Vừa qua, Đảng và nhà nước yêu cầu mỗi đơn vị phải có kế hoạch chống tham nhũng mà theo tôi, ngoài vấn đề giáo dục đạo đức, còn phải minh bạch trong công tác bổ nhiệm. Bộ GTVT đã triển khai nội dung này đến các đơn vị và yêu cầu phải xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng. Đối với việc tuyển dụng tiếp viên, phi công cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng, tiêu chí cụ thể để cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát thay vì doanh nghiệp “âm thầm” làm.

Thể diện quốc gia là trên hết!

Một tiếp viên hàng không bị bắt tại Nhật Bản do có hành vi tiếp tay tiêu thụ hàng trộm cắp. Hãng hàng không quốc gia siết chặt kiểm tra đối với hành lý của phi công và tiếp viên trên các lộ trình quốc tế. Ở một phố tại Hà Nội, được cho là nơi chuyên kinh doanh hàng xách tay từ nước ngoài, giá các mặt hàng tăng lên đột ngột.

Xâu chuỗi những sự việc nói trên, có thể nhận ra các dấu hiệu đặc trưng của một thế giới kinh doanh ngầm dựa vào việc vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không dưới dạng hành lý. Những nhân vật trung tâm trong thế giới này, không ai khác, là các phi công và tiếp viên chấp nhận hoặc làm “cửu vạn” đánh thuê cho các đầu nậu hoặc tự mình làm con buôn xuyên quốc gia. Hàng ăn cắp là điểm nhấn làm cho bức tranh về một kiểu làm ăn đáng xấu hổ thêm phần nặng nề.

Đặt bức tranh đó trong bộ hình ảnh về một đất nước, tất nhiên, sẽ khiến cả bộ hình ảnh có nguy cơ xấu đi trong mắt người nước ngoài.

Ở các nước, công dân được dạy dỗ từ bé về ý thức tự trọng và tự tôn dân tộc, đặc biệt về sự cần thiết thể hiện ý thức này trong quan hệ giao tiếp với người nước ngoài. Tuy nhiên, ý thức về việc gìn giữ một giá trị chỉ bền vững khi nó có cơ sở hiện thực. Tự hào về những giá trị ảo không chỉ là tự lừa dối mà còn là sự ngộ nhận về phẩm chất của bản thân, của cộng đồng người mà mình là thành viên, nó dễ khiến người ta trở nên lố bịch trong mắt người khác, cộng đồng khác và rốt cuộc chỉ làm trò cười cho thiên hạ.

Rõ hơn, phải làm thế nào để dân tộc mình được thế giới biết đến như là chủ sở hữu của cái gì đó thực sự có giá trị và đáng tự hào. Một nền kinh tế hùng mạnh hoặc đang trỗi dậy mạnh mẽ; một nền văn hóa đặc sắc, phong phú, tinh tế và có chiều sâu; một nền thể thao giàu thành tích ở đỉnh cao hoặc ít nhất là có tiềm năng phát triển to lớn; một nền giáo dục lành mạnh và có hiệu quả, có khả năng góp phần tích cực trong việc đào tạo tinh hoa cho nhân loại... Đó là những ví dụ về giá trị chung cần gìn giữ, phát huy.

Những giá trị có thật gắn với một dân tộc sẽ giúp cho dân tộc đó có được uy tín, vị thế tốt đẹp trong đại gia đình thế giới. Sở hữu càng nhiều giá trị thực và các giá trị càng lớn thì dân tộc càng có được sự nể trọng, ngưỡng mộ của các dân tộc, cộng đồng khác.

Là người giữ vai trò chính trong việc quản lý đất nước, nhà nước phải là người cầm trịch trong thực hiện những việc cần làm nhằm đạt mục tiêu này.

Nguyễn Ngọc Điện

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo