Ông bố vì quá nghèo phải lên núi cao bắt 10 con chim sáo mang về Hà Nội bán để trang trải chi phí trong những ngày con đi thi. Nhìn người cha dáng vẻ hiền lành, lúi húi cho chim sáo ăn, cạnh bên là cậu con trai khuôn mặt sáng láng, chúng ta không chỉ cảm nhận được tình phụ tử bao la mà còn nhìn thấy sự cố gắng vượt bậc của người nghèo khi tìm cách bước vào cổng trường ĐH. Ở góc độ xã hội, câu chuyện trên cho thấy khoảng cách giàu - nghèo ở nước ta còn khá rộng. Ở góc độ giáo dục, một lần nữa chúng ta phải suy nghĩ về một kỳ thi ĐH-CĐ như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất mà tiết kiệm cho dân.
Vậy tại sao không tổ chức một kỳ thi chung? Nhiều năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) cũng rất muốn như vậy nhưng vẫn chưa thực hiện được. Quá trình đổi mới thi cử đã ngốn quá nhiều thời gian. Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua được xem là có nhiều đổi mới nhưng tỉ lệ đỗ tiệm cận 100% thì chưa thể xem là kỳ thi chung để làm cơ sở xét tuyển ĐH-CĐ được. Chính Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng cho rằng kết quả thi tốt nghiệp này chưa phản ánh được chất lượng thật 100%; bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những bước điều chỉnh, đổi mới với mục đích hướng đến một kỳ thi chung mà dữ liệu của nó có thể dùng để xét tốt nghiệp THPT lẫn tuyển sinh ĐH, CĐ như lộ trình.
Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT quá chậm chạp trong việc đổi mới. Ví dụ như đổi mới chương trình, sách giáo khoa phải đến năm 2020 mới hoàn chỉnh, trong khi các chuyên gia cho rằng chỉ cần vài tháng cũng đã viết xong chương trình khung cho cả bộ sách giáo khoa phổ thông để làm cơ sở cho những bộ sách giáo khoa khác nhau. Chuyện đổi mới thi cử thì chậm chạp hơn khi mà bộ thừa biết kỳ thi “ba chung” đã bộc lộ nhiều bất cập song vẫn phải tiếp tục áp dụng.
Ai cũng thấy từ trước đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nào cũng có sự cố. Trong khi đó, kỳ thi ĐH-CĐ luôn được tổ chức rất nghiêm túc. Có chuyên gia giáo dục đặt vấn đề tại sao không lấy tính chất nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi ĐH-CĐ làm kỳ thi chung, cùng các môn thi thích hợp theo từng khối để lấy kết quả đó vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở xét tuyển ĐH-CĐ. Các trường y, kỹ thuật, nghệ thuật... có thể thi bổ sung một số môn chuyên, năng khiếu thích hợp. Hơn nữa, Luật Giáo dục đã cho phép các trường tự tuyển sinh và nhiều trường cũng đã có phương án tuyển sinh riêng nên một kỳ thi như vậy hợp lý hơn.
Đề xuất này có tính khả thi và cần có một nghiên cứu khoa học để đẩy nhanh tiến độ đổi mới thi cử, nếu không hệ thống thi cử cứ giẫm chân tại chỗ, nặng nề và tốn kém.
Bình luận (0)