Thực tế này đặt ra câu hỏi: Có thể trách người dân không khi thay vì sử dụng các biện pháp được pháp luật quy định để bảo vệ, khôi phục quyền và lợi ích chính đáng của mình, họ lại chọn các hình thức vũ lực?
Trước hết, phải khẳng định người dân “tự xử” là sai, cần phê phán. Bất luận thế nào cũng không thể đồng tình với hành vi đánh chết người chỉ vì một con chó bị bắt trộm. Càng không thể đồng tình với hành vi kích động giáo dân bao vây trụ sở chính quyền, bắt giữ cả công an (ở tỉnh Nghệ An); chống người thi hành công vụ ở Tiên Lãng (TP Hải Phòng); cầm súng vào cơ quan nhà nước bắn người rồi tự sát (ở tỉnh Thái Bình)…
Nhưng từ góc độ khác, nói như ông Trần Văn Độ, Phó Chánh án TAND Tối cao: “Để cho con hư rồi đánh đập nó thì không ăn thua, quan trọng phải làm sao không để con hư”. Con hư, trước hết cha mẹ phải xem lại mình. Tương tự, khi người dân lựa chọn cách “tự xử” có nghĩa là cơ quan nhà nước chưa thực hiện một cách hiệu quả vai trò quản lý, chưa là điểm tựa cho lòng dân.
Niềm tin của người dân vào bộ máy quản lý nhà nước sẽ ra sao khi nạn cướp giật lại đáng sợ như hiện nay? Những vụ tham nhũng, thất thoát ngân sách hàng ngàn tỉ đồng không thể thu hồi khiến người dân phải đặt câu hỏi tiền thuế của dân đã được sử dụng, quản lý như thế nào? Hằng năm, nhà nước đều có các đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động của doanh nghiệp nhưng việc phát hiện hành vi chôn “chất độc” của Công ty Nicotex (Thanh Hóa) chẳng hạn đều từ phía người dân. Cơ quan thẩm quyền yếu kém, thiếu nhân lực hay vì lý do gì mà không thể phát hiện? Khi người dân đậu xe dưới lòng đường hoặc gánh hàng rong ở vỉa hè… đều bị xử phạt ngay lập tức, trong khi cơ sở giải phẫu thẩm mỹ Cát Tường hoành tráng nằm ngay mặt tiền phố thì cơ quan chức năng “không biết” (?!)… Tất cả những điều này nói lên sự quản lý của nhà nước trong từng lĩnh vực đều có vấn đề.
“Không phải cứ ngành có vấn đề là bộ trưởng từ chức” - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam nói. Nhưng chịu trách nhiệm trước các vấn đề của ngành có lẽ trước hết phải là bộ trưởng. Sự đùn đẩy trách nhiệm, thờ ơ trước những vấn đề thiết thực đối với cuộc sống người dân của những cán bộ có trách nhiệm đã làm cho người dân giảm niềm tin vào nhà nước và pháp luật.
Để củng cố lại niềm tin trong dân, nhà nước phải có những việc làm cụ thể thông qua việc cương quyết lập lại trật tự quản lý nhà nước từ các cấp chính quyền, củng cố đội ngũ cán bộ song song với việc đào tạo lớp cán bộ mới trẻ, năng động, sáng tạo một cách chuyên nghiệp. Quan trọng nhất là xây dựng các thiết chế quản lý nhà nước bằng pháp luật hữu hiệu, giao trách nhiệm trực tiếp, cụ thể cho từng cấp chính quyền, bộ, ngành chủ quản.
Bình luận (0)