Ngày 18-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã họp cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2013 để chuẩn bị cho kỳ họp QH thứ 6, diễn ra từ tháng 10-2013.
Không tham nhũng, lấy gì “chạy” chức?
Theo ông Tranh, toàn ngành thanh tra đã triển khai 4.724 cuộc thanh tra hành chính và 89.281 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 283.183 tổ chức, cá nhân. Qua đó phát hiện vi phạm 12.225 tỉ đồng, 425 ha đất; kiến nghị thu hồi 4.934 tỉ đồng và 401 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 431 tập thể, 819 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 43 vụ, 43 đối tượng…
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng cần có đánh giá hoạt động đấu tranh PCTN chứ như những thông tin báo chí phản ánh thì rất buồn. “Báo cáo chưa nói rõ trong lực lượng PCTN có tiêu cực, bao che, tham nhũng hay không? Lực lượng đi làm mà không nghiêm thì hỏng rồi” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng bày tỏ không hài lòng khi báo cáo không nói hết tình hình PCTN trước QH. “Báo cáo chuẩn bị cho cả 500 đại biểu QH thảo luận mà thiếu nhiều thế này thì làm sao thông qua rồi ra kết luận, nghị quyết được?” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu báo cáo phải làm rõ việc những cơ quan chủ lực như thanh tra, kiểm toán, điều tra, kiểm sát... đã làm hết trách nhiệm, hết sức chưa? Người dân không muốn đấu tranh PCTN hay họ chán rồi? Vì sao báo chí phản ánh mãi mà không thấy xử lý? Chức vụ này, chức vụ kia mà không tham nhũng thì lấy gì mà chạy?...
“Âm thầm, lặng lẽ quá!”
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH, đề nghị những vụ án tham nhũng liên quan đến cán bộ mà việc xử lý có vấn đề thì cần phải làm rõ, nếu không thể công khai trước QH thì trình bày trong Ban Chấp hành trung ương. “Niềm tin của dân sẽ như thế nào nếu cứ cho qua những vụ án tham nhũng. Dân phạm tội với mức tiền 2 triệu đồng đã bị bỏ tù, còn cán bộ nhà nước lấy cả mấy tỉ đồng thì án treo. Xử lý như vậy là có dấu hiệu tham nhũng” - ông Phước nói.
Dẫn thực trạng tham nhũng, ông Phước nêu hiện tượng cho làm thủy điện khắp nơi, thậm chí chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường. “Cán bộ nắm chắc quy định nhưng vẫn cho qua dự án thì người dân và chính tôi cũng không tin nổi. Thanh tra nhà nước cần dũng cảm đề xuất tập trung “đánh” trọng điểm như lĩnh vực xây dựng, cầu đường, giao thông... Phải có dũng khí, nếu không thì rất nguy hiểm” - ông Phước kiến nghị.
Ông Ksor Phước cho rằng việc xử lý tham những mà không rõ ràng, “âm thầm, lặng lẽ quá” sẽ làm người dân hoài nghi, ảnh hưởng tới sự tồn vong của chế độ.
Trả lời câu hỏi của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng về việc “trong cơ quan PCTN có tham nhũng không?”, Phó Viện trưởng VKSND Tối cao, ông Nguyễn Hải Phong, thừa nhận chống bỏ lọt tội phạm trong tham nhũng rất khó vì còn liên quan đến thể chế. “Tôi khẳng định có vụ có thể xử lý hình sự nhưng đã xử lý hành chính. Tội phạm tham nhũng nhiều nhưng cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển sang ít nên không làm sâu được” - ông Phong phân trần.
Đề xuất kiểm toán doanh nghiệp công ích Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã xem xét kế hoạch kiểm toán năm 2014. Tổng kiểm toán nhà nước Nguyễn Hữu Vạn cho biết năm 2014, dự kiến thực hiện 161 cuộc kiểm toán ở 35 tỉnh, thành phố; 15 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 15 chuyên đề; 31 dự án, 44 doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tài chính, ngân hàng; 11 đầu mối lĩnh vực quốc phòng, 6 đầu mối lĩnh vực an ninh… Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH cũng đề xuất kiểm toán một số doanh nghiệp hoạt động công ích tại các thành phố lớn. Đánh giá chính sách và thực hiện chính sách về tiền lương, biên chế đối với cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, bảo đảm quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả kinh phí ngân sách nhà nước. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị bổ sung kiểm toán một số công trình xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương như nhà QH, trụ sở Bộ Công an, Bộ Ngoại giao. “Cứ làm nghiêm túc, minh bạch để người dân không phải xì xào” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu. |
Bình luận (0)