Ngày 16-5, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã tổ chức hội nghị Đoàn Chủ tịch lần thứ 6 và dành phần lớn thời gian để bàn về việc công nhân nhiều địa phương tham gia tuần hành phản đối Trung Quốc.
Điểm mặt côn đồ gây rối
Theo tờ trình Đoàn Chủ tịch, trước việc Trung Quốc đưa trái phép giàn khoan 981 vào vùng biển Việt Nam, công nhân lao động ở khắp nơi đã tham gia biểu thị lòng yêu nước, phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên, tại một số địa phương, họ đã bị kẻ xấu kích động đập phá nhà xưởng gây mất an ninh trật tự, thiệt hại cho doanh nghiệp (DN).
Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, báo cáo: Các đối tượng kích động gây bạo loạn có tổ chức rất chặt chẽ. Từ trước đó, chúng đã mua cờ Tổ quốc, áo với số lượng lớn, khi công nhân vừa ra khỏi cửa nhà máy thì được phát áo, dụ đi biểu tình. Chuyên nghiệp hơn, chúng đã sao chép bản đồ tất cả DN Trung Quốc, Đài Loan; sử dụng bộ đàm liên lạc với nhau và chuẩn bị sẵn “bom xăng” để đốt. Thậm chí, có nơi còn phát 50.000 đồng cho mỗi công nhân đi biểu tình. Khi tình hình nóng lên, bọn chúng còn kêu gọi nếu đi biểu tình thì cho 200.000 - 300.000 đồng và yêu cầu có trẻ con thì mang theo.
“Những đối tượng bị bắt hầu hết đều xăm trổ đầy mình và không phải là công nhân ở các nhà máy” - ông Chính cho biết.
Lên án những hành động này, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Đặng Ngọc Tùng khẳng định: Kẻ xấu đã lợi dụng lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam, đặc biệt trong công nhân, để kích động và xúi giục nhằm tạo ra bạo loạn.
Ngay trong lúc “dầu sôi lửa bỏng”, các cấp CĐ đã làm tờ rơi chuyển tới tận tay công nhân để giải thích cho họ hiểu rõ chủ trương của Đảng, nhà nước kiên quyết đấu tranh yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển nước ta; kêu gọi công nhân bình tĩnh, không tham gia vào các cuộc biểu tình. Để bảo vệ tài sản, tính mạng của chủ DN nước ngoài, ở một số KCN, CĐ cơ sở lựa chọn một số lực lượng nòng cốt tham gia bảo vệ. Cán bộ CĐ cũng đi vào một số khu nhà trọ vận động ai đã lấy tài sản thì trả lại cho DN.
Với sự chung sức của tổ chức CĐ, tình hình phản đối Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam dù lan ra một số địa phương song diễn ra trong hòa bình như ở Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hải Phòng, Bắc Giang, Thái Bình, Vĩnh Phúc…
Bảo đảm an toàn cho doanh nghiệp
Ngày 16-5, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với các Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia, Singapore và Nga về các cuộc biểu tình của công nhân vừa qua tại một số địa phương. Phó Thủ tướng cho biết việc biểu tình xuất phát từ tình cảm yêu nước của công nhân nhưng đã bị một số phần tử quá khích kích động, lợi dụng để gây rối. “Việt Nam đặc biệt coi trọng việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các nhà đầu tư nước ngoài” - Phó Thủ tướng khẳng định. Ngoại trưởng Singapore đánh giá cao các biện pháp kịp thời vừa qua của Việt Nam, đặc biệt là công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an ninh, trật tự, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Cùng ngày, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã tổ chức nhiều đoàn thăm hỏi, trấn an các DN bị thiệt hại. Trong cuộc tiếp xúc với các DN trong KCN Việt Hương (Thuận An), ông Trần Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, nói: “Thay mặt UBND tỉnh, chúng tôi xin lỗi các DN và cam kết sẽ bảo đảm an toàn, cùng các DN khắc phục thiệt hại để sớm ổn định sản xuất”. UBND tỉnh Bình Dương sẽ thành lập các tổ chuyên trách phối hợp cùng DN đánh giá thiệt hại cụ thể. Trên cơ sở đó, báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng để giải quyết phù hợp. Hiện phần lớn các DN ở Bình Dương đã hoạt động trở lại. Tại KCN Việt Nam - Singapore, có 208/300 DN mở cửa đón công nhân vào làm việc, số còn lại đang khẩn trương dọn dẹp, sửa chữa để nhanh chóng ổn định sản xuất.
Trong ngày 16-5, cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa cũng đã đến 8 công ty có vốn đầu tư nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Hồng Kông để động viên, trấn an. Qua đó, khẳng định các ngành chức năng đã bố trí lực lượng để bảo đảm an toàn cho các nhà đầu tư và công nhân.
B.Diệp - P.Như - K.Nam
Vạch mặt những kẻ đeo khẩu trang!
Phần lớn những đối tượng kích động gây rối ở Bình Dương là giang hồ cộm cán.
Quá trình sàng lọc hơn 800 đối tượng bị tạm giữ trong đợt gây rối vừa qua, Công an tỉnh Bình Dương đã làm rõ phần lớn lực lượng dẫn đầu, kích động tấn công các nhà máy là côn đồ. “Nhiều đối tượng nằm trong danh sách đen của trinh sát hình sự” - một điều tra viên Công an thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương, cho biết ngày 16-5.
Tận mắt chứng kiến cảnh những đối tượng quá khích đập phá các nhà máy ở KCN Việt Nam - Singapore (Bình Dương) trưa 13-5, phóng viên Báo Người Lao Động nhận thấy hầu hết đều đeo khẩu trang, tay cầm tuýp sắt, vai xăm rồng rắn. Bọn chúng rượt đuổi phóng viên khi phát hiện bị ghi hình.
Nhiều người lầm tưởng họ là công nhân đang làm việc tại các nhà máy. Tuy nhiên, Công an thị xã Dĩ An cho hay qua xác minh ban đầu, nhiều đối tượng trong số trên là giang hồ cộm cán. Điển hình, trong toán người gây rối tại Công ty Asama (vốn Đài Loan, đóng tại KCN Sóng Thần, chuyên sản xuất xe đạp), công an bắt 6 đối tượng là đàn em của Dũng “cò”. Băng Dũng “cò” toàn những kẻ xăm hình thù quái dị ở bắp tay phải; chuyên cho vay nặng lãi, chém mướn… Trong 6 tên bị bắt có Sơn “què”, kẻ chuyên bán ma túy quanh khu vực KCN Việt Nam - Singapore.
Công an cũng bắt 3 đối tượng châm lửa đốt hàng hóa của Công ty Asama là Huỳnh Kim Quốc, Huỳnh Kim Biên và Lương Hoàng Thanh Huy (cùng quê Khánh Hòa, làm nghề tự do). Hiện công an đang làm rõ tiền án, tiền sự của nhóm này.
Riêng Công an thị xã Thuận An cho biết đến nay đã bắt hơn 350 đối tượng, trong đó có hơn 100 tên bị bắt khẩn cấp vì có dấu hiệu hình sự. Phần lớn trong số này không phải là công nhân.
Xử lý thích đáng!
Chị L., chủ nhà trọ gần KCN Việt Nam - Singapore, nói: “Tôi thấy nhiều đối tượng phá nhà máy là du côn sống quanh KCN này. Lúc trước, họ cũng là công nhân nhưng quậy phá nên bị cho nghỉ và tổ chức đánh đề, cho vay nặng lãi... Do sợ chúng nên công nhân bị lôi kéo vào vụ phá phách”.
Anh Nguyễn Minh Tiến, Chủ tịch Công đoàn Công ty Giày da Thông Dụng (Thuận An), khẳng định lực lượng phóng hỏa công ty cũng không phải là công nhân. Một nữ công nhân công ty này tiết lộ: “Những kẻ đốt công ty đi một đoàn cả trăm người, mình xăm, tay cầm hung khí, nhìn cũng đủ biết là giang hồ”.
Theo Thiếu tướng Võ Thành Đức, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương, cơ quan này đang làm rõ động cơ của các băng nhóm giang hồ ngoài việc chiếm đoạt tài sản doanh nghiệp (DN) thì còn chịu sự chỉ đạo từ tổ chức nào hay không.
Sáng 16-5, đoàn công tác do Đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Dương. Bộ trưởng chỉ đạo Bình Dương nhanh chóng phân loại các đối tượng đã bị tạm giữ, sớm kết luận điều tra, khởi tố bị can, xử lý thích đáng các đối tượng cầm đầu. Bộ trưởng khẳng định nhà nước không dung túng các đối tượng lợi dụng việc bảo vệ chủ quyền quốc gia để gây rối, đi ngược lại truyền thống yêu hòa bình của dân tộc Việt Nam. Cùng ngày, tại TP HCM, làm việc với công an các tỉnh - thành phía Nam, Bộ trưởng Trần Đại Quang đã yêu cầu lực lượng công an chủ động nắm chắc cũng như dự báo tình hình để bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Tính đến nay, Công an tỉnh Đồng Nai đã tạm giữ 272 đối tượng gây rối, đập phá tài sản của DN trên địa bàn, trong đó đã khởi tố 29 đối tượng.
Bình luận (0)