Năm 2010, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ký quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xử lý khẩn cấp đê hữu sông Mã đoạn từ chân cầu Hàm Rồng cũ đến ngã ba Trần Hưng Đạo, phường Hàm Rồng, TP Thanh Hóa. Công trình có chiều dài gần 1,4 km với tổng mức đầu tư hơn 104 tỉ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ và các nguồn huy động khác, chủ đầu tư là Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa. Dự án được kỳ vọng bảo vệ an toàn và ổn định cho tuyến đê và hàng ngàn người dân trong vùng. Tuy nhiên, công trình này đang xuống cấp nghiêm trọng.
Còn bảo hành đã hỏng
Dự án nêu trên chia làm nhiều giai đoạn, thời gian hoàn thành không quá 5 năm. Công trình có 2 hạng mục kè và xây dựng khuôn viên bãi sông cho người dân vui chơi giải trí, đi bộ… Trong tổng số 104 tỉ đồng thì có 85 tỉ đồng dùng cho chi phí xây dựng.
Theo thiết kế, kè được lát mái bằng cấu kiện bê-tông đúc sẵn trong khung dầm bê-tông, bên dưới là lớp đá dăm và vải địa kỹ thuật. Chân kè kết cấu bê-tông cốt thép dày 30 cm, rộng 2 m, gia cố chân kè bằng 2 hàng cọc bê-tông cốt thép.
Đến tháng 11-2011, công trình kè ven sông Mã được Công ty TNHH Dũng Lân - Hải Châu (đơn vị trúng thầu) bàn giao cho Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa quản lý. Tuy nhiên, công trình đưa vào sử dụng chưa lâu, còn đang bảo hành thì đã xuất hiện tình trạng sụt lún biến dạng mái kè với chiều dài khoảng 70-80 m, nhiều nơi mặt đê đội lên như nấm.
Đáng lo ngại hơn, đường hành lang bê-tông trên đỉnh kè đã nứt gãy ở nhiều nơi, các khớp nối bê-tông bị đứt gãy, hở hoác. Ở nhiều đoạn mái kè, các khối bê-tông đã bị gãy gập và đang dần trôi xuống sông, uy hiếp rất lớn đến “tính mạng” của công trình này...
Một dự án lớn nằm ngay chân cầu Hàm Rồng lịch sử nhưng mới đưa vào hoạt động chưa được bao lâu đã xuống cấp nghiêm trọng khiến dư luận hoài nghi về chất lượng xây dựng công trình.
Càng khắc phục càng… sụt lún
Trước sự xuống cấp của công trình, chủ đầu tư đã kiểm tra, đánh giá chất lượng và có văn bản yêu cầu đơn vị thi công là Công ty TNHH Dũng Lân - Hải Châu nhanh chóng khắc phục.
Tuy nhiên, công trình dù được sửa chữa nhiều lần nhưng chưa được bao lâu thì lại xuống cấp với mức độ ngày càng trầm trọng hơn. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, công trình trăm tỉ vẫn đang sụt lún, đứt gãy nghiêm trọng đường hành lang giao thông trên đỉnh kè đoạn từ K39+364,5 - K39+418,05. Tại đoạn này, nền đường bê-tông đã sụt sâu khoảng 2 m so với mặt bằng ban đầu. Nhiều điểm sụt đã sát vào khu vực nhà điều hành của dự án.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Trọng Hải, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Thanh Hóa, cho biết sau khi yêu cầu nhà thầu khắc phục đến lần thứ 3 nhưng hiện tượng sụt lún vẫn tiếp diễn, chi cục đã có văn bản báo cáo Sở NN-PTNT và UBND tỉnh để có hướng xử lý triệt để.
“Phương án sắp tới là sẽ cho tháo dỡ và hạ thấp độ cao đoạn sụt lún để xây dựng các bậc tam cấp. Điều này sẽ hạn chế được việc sụt lún. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, còn để chấm dứt tình trạng này thì chỉ có cách đóng cọc thôi nhưng đóng cọc bê-tông chúng tôi chưa dám làm vì lo ngại nhiều vấn đề” - ông Hải giải thích.
Bình luận (0)