Đến nay, tỉ trọng vốn đầu tư từ khu vực nhà nước trong tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đã giảm tương đối nhanh, từ mức 54,3% thời kỳ 1999-2000 xuống 51,8% thời kỳ 2001-2005; xuống 38,7% thời kỳ 2006-2010; 37,4% thời kỳ 2011-2012 và ở mức 37,1% gần đây.
Tuy nhiên, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hiện tái cơ cấu đầu tư công chỉ thực hiện theo Chỉ thị 1792/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là giải pháp mang tính chất tình huống và ngắn hạn. Đáng nói là tỉ lệ đầu tư công giảm từ 8,5% GDP năm 2010 xuống còn 6% năm 2012 trong khi chưa có các biện pháp đột phá để huy động các nguồn vốn khác tham gia đầu tư nhằm giữ ổn định tổng mức đầu tư toàn xã hội, duy trì được nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, cũng theo Ủy ban Kinh tế, việc thực hiện trên thực tế về tái cơ cấu đầu tư công đã bộc lộ mặt trái, việc cắt giảm vốn đầu tư công chưa gắn với việc nâng cao hiệu quả đầu tư, chưa thực sự hợp lý, gây nên tình trạng nhiều công trình đang xây dựng dở dang, lãng phí, tác động tiêu cực đến tâm lý người dân và tăng khó khăn cho doanh nghiệp là nhà thầu xây dựng.
Về đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo Quyết định số 929/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 17-7-2012 với mục tiêu cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước hợp lý hơn, tập trung vào ngành, lĩnh vực then chốt, nâng cao sức cạnh tranh, cung ứng các dịch vụ công ích thiết yếu, đến nay Thủ tướng đã phê duyệt hầu hết (khoảng 101) đề án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành, địa phương giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, một số tập đoàn và tổng công ty đã xây dựng, ban hành mới hoặc hoàn thiện hệ thống quy chế quản trị nội bộ, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý.
Dù vậy, tiến độ tái cơ cấu vẫn chậm. Cả năm 2013 mới tiến hành cổ phần hóa được 25 doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp nhà nước thoái vốn trái ngành gặp nhiều khó khăn. Quan trọng nữa là thiếu hẳn động lực và áp lực để buộc các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. Trong khi đó, hiện còn số lượng lớn doanh nghiệp nhà nước tác động đến tăng trưởng kinh tế hay tác động đến kinh tế vĩ mô cần phải kiên quyết, khẩn trương tiến hành tái cơ cấu.
Rõ ràng, hiệu quả chưa cao trong tái cấu trúc đầu tư công và chậm chạp trong tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã làm kéo dài thời gian phục hồi của nền kinh tế, chậm thúc đẩy thị trường vốn phát triển, giảm niềm tin của các nhà đầu tư. Cũng có phần vì tâm lý “tiền của nhà nước” nên chẳng mấy cá nhân biết của đau con xót cũng chính là lực cản gây ra tình trạng kể trên. Cần phải có chiến lược bài bản hơn cũng như những thiết chế ràng buộc đủ mạnh để tránh tình trạng nói mà không làm hoặc làm nửa vời, làm lấy được ở nhiều nơi, nhiều doanh nghiệp.
Bình luận (0)