Không phải bây giờ mà ngay từ cuối năm 2012, khi Việt Nam giành quyền đăng cai ASIAD 18 - theo kế hoạch sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11-2019, đã xuất hiện những ý kiến băn khoăn về việc tổ chức đại hội thể thao lớn nhất của châu lục này. Trong đó, lo lắng nhất vẫn là kinh phí tổ chức sự kiện thể thao có sự tham gia của khoảng 10.000 vận động viên, huấn luyện viên, quan chức đến từ 45 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tại phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 18-3, Bộ trưởng Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch cho biết tổng chi phí dự kiến tổ chức ASIAD 18 khoảng 150 triệu USD (hơn 3.000 tỉ đồng). Con số này khiến không ít người ngỡ ngàng bởi chi phí tổ chức các ASIAD gần đây đều không dưới con số tỉ đô. Trong đó, ASIAD 2010 tại Trung Quốc lên tới 20 tỉ USD hay “khiêm tốn” nhất là ASIAD 2014 diễn ra cuối năm nay tại Incheon - Hàn Quốc cũng dự kiến tới 1,4 tỉ USD.
Thế nên, điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất để an tâm đăng cai ASIAD 18 là liệu chi phí tổ chức sự kiện thể thao lớn nhất châu lục này chỉ bằng khoảng 1/10 chi phí tổ chức ASIAD “khiêm tốn” nhất? Cho dù ngành thể thao và ông Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rất kỳ vọng, trông mong vào những đóng góp xã hội hóa song đó mới chỉ nằm trong dự tính, tính toán chứ chưa có cam kết chắc chắn, rõ ràng. Vì thế, khả năng bội chi mạnh chi phí tổ chức ASIAD 18 đến nay vẫn là một nỗi lo canh cánh.
Những người ủng hộ đăng cai ASIAD năm 2019 đưa ra nhiều lợi ích mà trong đó, đáng kể nhất là cơ hội tốt để nâng cấp cơ sở vật chất thể thao, phát triển nền thể thao nước nhà, phát triển du lịch, quảng bá đất nước… Đúng là không ai phủ nhận những lợi ích, tác động tích cực của việc đăng cai ASIAD. Thế nhưng, đứng ra tổ chức ASIAD hay xa hơn là Olympic, là những “cuộc chơi” vô cùng tốn kém, đòi hỏi nước chủ nhà phải có tiềm lực kinh tế đáng kể. Cho đến nay, chưa quốc gia nào đăng cai ASIAD hay Olympic giải được bài toán: Làm thế nào sử dụng hiệu quả các công trình, cơ sở vật chất xây dựng để phục vụ ngày hội thể thao ngắn ngủi này. Nói cách khác, đăng cai ASIAD hay Olympic là chấp nhận “cuộc chơi” tốn kém.
Trong hoàn cảnh đất nước khó khăn mà nhiều công trình xã hội, an ninh bức thiết còn thiếu tiền xây dựng như hiện nay thì chúng ta có nên “mắm môi mắm lợi” tổ chức một kỳ ASIAD nhiều tốn kém?
Bình luận (0)