Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch (VH-TT-DL), ĐB Phạm Thị Hải (Đồng Nai) cho rằng không cần so sánh với du lịch Thái Lan, chỉ so sánh với Lào và Campuchia thì đã thấy họ tăng trưởng mạnh mẽ, còn Việt Nam vẫn ì ạch. Vậy trách nhiệm của ngành, của cá nhân bộ trưởng như thế nào?
“Biết làm sao bây giờ?!”
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh cho biết ngành du lịch thời gian qua đã có đóng góp tích cực vào sự phát triển của kinh tế - xã hội của đất nước. Trong năm 2015, cả nước đạt 8 triệu lượt khách, doanh thu dự kiến đạt 320.000 tỉ đồng, tương đương 15 tỉ USD.
“Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar và Thái Lan đã cam kết “5 quốc gia, 1 điểm đến”. Việt Nam mong muốn du lịch Lào, Campuchia phát triển mạnh hơn, vì qua đó Việt Nam cũng hưởng lợi” - ông Hoàng Tuấn Anh lập luận.
“Tư lệnh” ngành VH-TT-DL còn kể ra một loạt “kỳ quan thế giới” của Việt Nam, trong đó có 21 di sản được UNESCO công nhận. Bộ trưởng say sưa: “Ẩm thực ta phong phú dồi dào, phở và nem rán của ta nổi tiếng thế giới, nón lá của ta tại hội chợ ở Ý là sản phẩm xếp thứ tư về hấp dẫn”. Cả hội trường cười ồ lên khi Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhắc lại “cái nón lá”. Khi Phó Chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, người điều hành phiên chất vấn, “chêm” vào câu: “Nón lá là cái nón bài thơ”, thì Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh tiếp lời: “Vâng! Nón lá là nón bài thơ…”. Các ĐB lại được dịp cười lần nữa.
Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL đưa ra nhận định người dân Việt Nam thân thiện, mến khách; “chặt chém” là có nhưng ít. “Với tư cách là người đứng đầu, với những cố gắng nhưng chưa đáp ứng mong mỏi của QH, tôi xin chịu trách nhiệm và sẽ… truyền đạt lại cho bộ trưởng kế tiếp vì thời gian nhiệm kỳ không còn nữa. Biết làm sao bây giờ?!...” - Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thành thật.
Phải truy tố tội sử dụng chất cấm
Cũng liên quan đến hình ảnh, con người, đất nước, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cùng nhiều ĐB khác bày tỏ lo lắng trước tình trạng gia tăng sử dụng thuốc trừ sâu, chất cấm trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ông Vinh đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát nói rõ trách nhiệm của bộ trưởng và ngành nông nghiệp trước vấn nạn này.
Bộ trưởng Cao Đức Phát chia sẻ với bức xúc mà các ĐB nêu và cho biết ông nhận thức rất rõ yêu cầu, mong đợi của nhân dân cũng như trách nhiệm của mình trong việc quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Để có chuyển biến tích cực trong công tác này, Bộ trưởng Cao Đức Phát kiến nghị QH khi xem xét thông qua Bộ Luật Hình sự cần phải sửa đổi điều 155, 244 về sử dụng chất cấm và để có cơ sở pháp lý mạnh xử lý vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP.
Trả lời câu hỏi của Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa, ông Nguyễn Tấn Tuân, về việc có hay không sự chồng chéo trong quản lý ATVSTP của các bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trong quản lý còn yếu kém song không có sự chồng chéo. Theo đó, Bộ NN-PTNT quản lý khâu sản xuất, Bộ Công Thương quản lý khâu lưu thông và Bộ Y tế quản lý khâu chế biến. Phó Thủ tướng nhấn mạnh hệ thống luật pháp về ATVSTP cơ bản đã đầy đủ, vấn đề là tổ chức thực hiện.
Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một quy trình phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Chính phủ cùng các đoàn thể sẽ đươc dự thảo để làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền về ATVSTP, tương tự vừa qua đã làm với việc rà soát người có công. “Đây là biện pháp có thể giải quyết được căn bản vấn đề ATVSTP trong thời gian tới” - Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Chất vấn Thủ tướng về biển Đông, vay tiền Trung Quốc
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) cho biết nền kinh tế Việt Nam đang có xu hướng phụ thuộc ngày càng sâu vào nền kinh tế Trung Quốc trên hầu hết các lĩnh vực. Cử tri đề nghị không vay tiền và nhận viện trợ từ Trung Quốc, ít nhất là trong thời điểm này. Vậy quan điểm của Thủ tướng về vấn đề này như thế nào? ĐB Lê Nam (Thanh Hóa) cũng đề nghị Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ có những chủ trương, giải pháp nào trước việc Trung Quốc bồi đắp và xâm lấn nghiêm trọng hơn trên biển Đông?
Vấn đề mà các ĐB đặt ra sẽ gửi đến phiên trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào sáng nay (18-11).
Bình luận (0)