Năm ngoái, khi Thái Lan lâm vào bất ổn chính trị và giá gạo xuất khẩu của nước này tăng mạnh nên tồn kho nhiều, tưởng như Việt Nam chắc ngôi thứ hai sau Ấn Độ nhưng cuối cùng lại hụt hơi, tụt xuống hạng ba với tổng lượng gạo xuất chính ngạch chỉ đạt 6,681 triệu tấn, giảm 13,45% so với năm 2012.
Lượng gạo bán được giảm đã đành, trị giá xuất khẩu cũng rớt mạnh vì giá gạo xuất khẩu bình quân giảm sâu (13,79 USD/tấn). Vậy là người trồng lúa - chủ thể làm ra hạt gạo - chẳng được gì, thậm chí thua lỗ.
Thực ra, nếu có dẫn đầu thế giới về xuất khẩu gạo mà người trồng lúa nghèo vẫn hoàn nghèo thì ngôi vị ấy cũng chẳng mấy ý nghĩa. Thái Lan kể từ năm 1981-2012, suốt 31 năm vô địch thế giới về xuất khẩu gạo và những gì họ thu về đều là thực chất, luôn cân bằng được tam giác quyền lợi nhà nước - nông dân - doanh nghiệp. Chính phủ Thái gần đây càng đẩy mạnh chính sách dân túy bằng việc trợ giá thu mua lúa cho nông dân cao hơn giá quốc tế đến 50%.
Cách làm này dù trong một thời gian đã đẩy giá xuất khẩu gạo của Thái Lan lên cao, gặp thời điểm kinh tế thế giới ảm đạm, dẫn đến khó bán, làm cho lượng gạo tồn kho nhiều và đánh mất vị trí số 1 thế giới vào tay Ấn Độ song người Thái vẫn không nao núng. Sau khi từng bước thu hẹp việc trợ giá thu mua lúa, đến lúc nhu cầu thế giới đối với gạo hạt dài (Thái Lan có lợi thế với loại này) tăng mạnh, họ tung gạo dự trữ ra bán, vừa làm chủ thị trường vừa được giá cao. Kết quả, năm 2013, họ đã soán ngôi thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo của Việt Nam và tiếp tục lập kế hoạch đòi lại ngôi vị số 1 từ Ấn Độ.
Trong điều kiện của Việt Nam, chúng ta chưa cần phải mơ cao như người Thái hay người Ấn. Điều mong mỏi nhất đối với xuất khẩu gạo là phải đem lại lợi tức cho nhà nông. Chuyện tưởng như hiển nhiên đó đối với một đất nước rất mạnh về gạo như Việt Nam lại chưa bao giờ thành hiện thực. Đã lâu lắm rồi kể từ khi bắt đầu xuất khẩu gạo (năm 1989), tuyệt đại đa số người trồng lúa nước ta vẫn luôn đói nghèo bên “bờ xôi, ruộng mật”. Thực tế đã chỉ ra rằng dù có được mùa đến mấy, dù thị trường tiêu thụ có thuận lợi đến cỡ nào mà vẫn cứ duy trì kiểu điều hành xuất khẩu gạo lạc hậu, thiếu công bằng của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) như trước nay thì người trồng lúa khó ngóc đầu nổi.
Đã không nâng được vị thế hạt gạo Việt Nam mà lại còn để người trồng lúa bị bắt chẹt trong khi lợi nhuận tha hồ chảy vào túi các công ty lương thực, các doanh nghiệp xuất khẩu và hệ thống thương lái thì các nhà điều hành xuất khẩu gạo đắc tội với gần 65 triệu nông dân đất nước này.
Bình luận (0)