Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (trái) đề nghị bổ sung để đánh giá đầy đù hơn về nguy cơ, thách thức với chủ quyền quốc gia trên Biển Đông
Sáng 23-10, Quốc hội (QH) thảo luận tại tổ về các dự thảo văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Đại biểu (ĐB) Trần Du Lịch (TP HCM) đánh giá kế hoạch 5 năm lần này (2016-2020) là 5 năm cuối của chiến lược 10 năm. "Do đó, cần xem xét trong chiến lược 10 năm, chúng ta đã làm được những gì, chưa làm được gì và kế hoạch 5 năm cuối này có khả năng hoàn thiện không" - ông Lịch nói và cho rằng báo cáo chưa bám sát về đặc điểm quan trọng này.
Góp ý thêm về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, ĐB Trần Du Lịch cho rằng sau khi gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam chắc chắn không thể phát triển mọi thứ mà buộc phải lựa chọn lĩnh vực thế mạnh. “Đến lúc phải đánh đổi, không phát triển hàng ngang được nữa đâu. Phải chọn thế mạnh của mình và theo tôi là có 5 lựa chọn” - ông Lịch nhìn nhận. Theo ông, nhiệm vụ phát triển nên tập trung vào các lĩnh vưc là: nông nghiệp kỹ thuật cao; công nghệ thông tin; phát triển logistics, phát triển du lịch có trọng điểm; tạo chính sách để doanh nghiệp tham gia sản xuất chuỗi giá trị. “Đây là lĩnh vực cần đưa vào để có chính sách định hướng phát triển, không có nghĩa là lĩnh vực khác để họ tự làm. Cái đưa vào là nhà nước có chính sách còn cái khác là thị trường, nhà nước chỉ cần luật pháp minh bạch” – ĐB Trần Du Lịch lưu ý thêm.
Đóng góp ý kiến khác liên quan đến tình hình Biển Đông, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng cần sửa lại nội dung liên quan đến diễn biến mới trên thực tế. Theo ông Nghĩa, trong báo cáo chính trị đánh giá tình hình thế giới và châu Á - Thái Bình Dương có đánh giá “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt, phức tạp” là chưa đẩy đủ về nguy cơ, thấp hơn nguy cơ đang diễn ra. “Trước tình hình năm 2015, trước những diễn biến mới từ phía Trung Quốc, tôi đề nghị bổ sung là “Tranh chấp lãnh thổ chủ quyền biển đảo trong khu vực và trên Biển Đông tiếp tục diễn ra gay gắt phức tạp, xuất hiện những thách thức mới đe dọa chủ quyền của đất nước, tự do và an ninh hàng hải” - ĐB Nghĩa đề xuất.
Giải thích lý do vì sao phải sửa nội dung này theo hướng trên, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng thực tế đã xuất hiện những sự kiện mới. Ví dụ, Trung Quốc xây đảo nhân tạo là sự báo động hết sức lớn, là một biểu hiện mới của tranh giành chủ quyền. Ngoài ra, còn có việc Trung Quốc xây hải đăng, xây dựng những công trình có thể quân sự hóa, có thể chuyển cho mục đích quân sự ngay lập tức, ví dụ những đường băng.
Bình luận (0)