Trong thư khen, Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Tôi nhiệt liệt biểu dương gia đình các ông, bà đã không quản nguy hiểm, dũng cảm dùng xuồng và phương tiện mưu sinh của mình để cứu hàng chục người gặp nạn, trong đó có nhiều người nước ngoài. Việc cứu giúp người với tinh thần vô tư, trong sáng của gia đình các ông bà đã góp phần làm sáng thêm truyền thống thân ái, thương người như thể thương thân của dân tộc Việt Nam, làm đẹp thêm hình ảnh người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế”.
Truyền thống trung hậu, hòa hiếu của dân tộc ta đã tồn tại và được thử thách trong suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm. Điều đó bắt nguồn từ chỗ nhân dân ta luôn rất công bằng và phân minh, rạch ròi; người dân ở đâu, đời nào cũng tốt...
Truyền thống dân tộc ta là như vậy nhưng thời gian qua trong cộng đồng vẫn còn xảy ra nhiều chuyện tàn ác đau lòng, như: cắt cổ vợ, trói mẹ vợ và bắt con ruột 25 ngày tuổi làm con tin; hành hạ làm thương tật các cháu bé để bắt đi ăn xin; học sinh chém nhau trong trường; nữ sinh lột áo để trả thù tình địch; người dân truy bắt cướp, bị cướp ngang nhiên quay lại trả thù; lâm tặc cắt gân chân kiểm lâm; rạch mặt vì giành chỗ bán hàng rong… Còn rất nhiều nữa, kể ra chỉ thêm đau lòng.
Lý giải tệ trạng trên, có ý kiến cho rằng xã hội đang đứng trước những biến chuyển có tính cơ bản và sâu sắc. Nhiều giá trị chuẩn mực truyền thống, nhân văn chưa đủ sức bám rễ sâu vào lớp cư dân mới, thậm chí họ còn có ý chối bỏ trong lúc thang giá trị chuẩn mực mới chưa được xác lập. Góc nhìn từ gia đình và môi trường xã hội có thể làm minh chứng cho những nhận xét đó.
Trước cơn lốc thị trường, nền nếp gia phong đã có phần bị xáo trộn. Khi đất hóa vàng thì nhà cửa, ruộng vườn đều được đặt lên cán cân chia chác nghiệt ngã, làm sứt mẻ nghiêm trọng tình máu mủ ruột rà. Tình cảm ruột thịt mà đã vậy thì còn đâu tình làng nghĩa xóm, tình cảm cộng đồng! Thêm nữa, muốn có địa vị xã hội, không ít người phải “chạy”. “Chạy” từ khi lọt lòng ở bệnh viện đến nhà trẻ, trường học, việc làm, đề bạt... Tất cả đều quy ra vật chất.
Những nhận định trên không phải quá đào sâu vào mảng xám trong bức tranh tổng thể của xã hội, cũng hoàn toàn chẳng phải là báo động giả mà là một thực tế đang diễn ra, không thể chối cãi. Nhà quản trị xã hội cần phải nhìn xa ngay từ những tín hiệu nhỏ được phát đi ấy. Đối với bệnh xã hội, phải phòng ngừa và chữa trị ngay từ đầu, không để ủ bệnh qua vài thế hệ, khi ấy mà bùng nổ thì vô phương cứu chữa. Bên cạnh việc diệt ngay tế bào lạ của xã hội, đó là cái ác, đừng để thành khối u di căn thì phải luôn nhân rộng những tấm gương, những nghĩa cử cao đẹp để lấn át, đẩy lùi cái xấu, như truyền thống ngàn đời của dân tộc ta: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” (Bình Ngô đại cáo - Nguyễn Trãi).
Bình luận (0)