Trong 5 tỉnh Tây Nguyên thì tôi ít biết về Đắk Nông nhất.
Đấy là một tỉnh rất mới, tách ra từ Đắk Lắk. Mà cái phần cắt ra ấy lại cứ mịt mù thăm thẳm thế nào, nghe tên không thấy quen, nhìn đường không thấy nhớ, ngửi gió chả thấy mùi mà nắng thì cứ nhợt nhạt như ánh sáng dưới đường hầm, thế thì tức là cứ thẳng băng trong lô nhô ký ức của mình.
Cách đây hơn chục năm, đã có lần tôi ghé Gia Nghĩa ngủ một đêm để dự đại hội thành lập Hội Văn học Nghệ thuật Đắk Nông. Gia Nghĩa là thị xã tỉnh lỵ Đắk Nông, hồi ấy buồn và vắng thê thảm. Nhà chơ vơ hoe hoắt trên mấy con đường nhấp nhô đầy đất đỏ mùa mưa. Hồi ấy WiFi chưa có, DCom 2G cũng chưa chứ đừng nói 3G, các khách sạn thường kéo cáp vào từng bàn của phòng ở khách sạn. Khách sạn tôi ở thuộc loại cũng lớn, cáp chưa kéo vào phòng mà để lơ lửng ở ngay gầm cầu thang, khách muốn dùng thì ôm laptop ra đấy cắm đầu giắc vào rồi mà lom khom sử dụng. Cần chuyển tấm ảnh phải đợi cả giờ vì phải… chờ nhau!
Lần này sang Đắk Nông thì đã khác rất nhiều. Thị xã đã định hình, rất hiện đại mà lại cổ kính, mang đậm bản sắc Tây Nguyên. Nhưng cái quan trọng là tôi có khá nhiều người quen và phát hiện là mình có khá nhiều bà con đang sinh sống ở đây.
… Khoảng 30 năm trước, một trưa hè Huế, tôi khi ấy đang là sinh viên ở trong ký túc xá 27 Nguyễn Huệ, ra bến đò Đông Ba đón rồi đưa vợ chồng chú em con cô ruột ra ga lên tàu chợ đi Quy Nhơn.
Ông em này, như bao thanh niên khác, đến tuổi thì phải đi lính, sau năm 1975 cũng phải đi tập trung mấy hôm rồi về nhà làm ruộng. Lần đầu, tôi về quê là ngủ chung giường với ông này. Hai anh em nói chuyện suốt đêm, chả thấy chiến tuyến chiến teo gì, chả thấy có gì khác nhau giữa hai thằng đàn ông con cô con cậu mà thời còn bom đạn có khi đã ôm súng bắn nhau.
Thời ấy đói vô cùng. Cả nước đói thì Huế là đói nhất. Vì cái đất khô cằn khắc nghiệt thế và cũng vì nơi ấy có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp quá. Sau Hà Nội và TP HCM thì Huế là địa phương thứ 3 có nhiều sinh viên. Mà sinh viên thời ấy là được bao cấp gạo ăn 15 kg/tháng (dù 2/3 là độn sắn, bo bo), có 18 đồng học bổng và chế độ tem phiếu. Đất ít, nghề ít, người đông, đói là phải. Và vì nhiều lý do nữa khiến ai cũng nghèo xơ nghèo xác. Lại thêm cú đổi tiền “ngoạn mục” mà đến giờ nhắc lại nhiều người vẫn còn ngơ ngẩn là tại sao lại phải làm thế?! Vèo phát, thế là tay trắng…
Nhớ thời đi lính đóng trên Tây Nguyên, anh này (chú em con cô ruột của tôi) thấy vùng Quảng Đức (Đắk Nông) đất rộng người thưa, thế là bàn với vợ… “nhảy”. Thực ra thì chỉ mình anh ta quyết, vợ chỉ có mỗi một việc là… gật. Đến như đẻ bao nhiêu con cũng một tay chồng quyết nữa là nên vợ thì rất sợ không có gì cho con ăn, nghe đến đẻ là sợ tái người mà vợ chồng nhà này có đến 7 đứa con lít nhít… Hai bàn tay trắng, vợ chồng hai đôi quang gánh với 4 cái thúng, trong ấy là chổi cùn, giẻ rách, mấy cái xoong thủng, dăm cân gạo và chục cân khoai khô. Hình ảnh đậm nhất trong tôi là một thằng cu con, đứa bé nhất, ngồi trong một cái thúng, còn bọn khác dắt díu nhau. Tôi đưa lên ga Huế, lấy vé tàu chợ đi Quy Nhơn. Tàu chật hơn cá trích trong chẹt nên vợ chồng lại phải lên hai toa khác nhau, chồng phải lên toa đen với đứa con lớn nhất. Tôi đẩy được đứa cuối cùng lên cái cửa toa toàn chân người đứng thì tàu xình xịch chạy…
Cũng sau đấy một thời gian, một cô em cô cậu khác của tôi, em ruột của người đàn ông đưa vợ con đi ấy, cũng âm thầm rời quê đi Quảng Đức.
Cô này có một số phận cũng lạ.
Con cô ruột tôi, đến tuổi thì cũng lấy chồng. Chồng là một anh lính Việt Nam Cộng hòa đến đóng trong làng. Đẻ 2 đứa con một trai một gái kháu khỉnh thì một đêm, anh này tử trận. Góa chồng, một mình oằn lưng làm ăn kiếm tiền nuôi 2 đứa con. Em tôi và 2 con suốt ngày mặc cái quần cộc may bằng bao cát, thức ăn chủ yếu là khoai vùng cát bở ứ cổ với canh hến nấu rau lang. Giờ hến là đặc sản, rau lang cũng thế chứ thời ấy nhìn thấy 2 món đó là rùng mình. Cái nhà của ba mẹ con cũng như chủ. Đó là 4 cây tre chôn xuống đất, rồi xung quanh cột tranh, trên nóc lợp tranh, nền toàn cát là cát. Chỉ duy nhất cái giường cho 3 mẹ con, phía trên gác một cây sào giăng đầy quần áo bằng bao cát…
Ba tôi có một ông bạn cùng quê, tên là Hoài, cùng tập kết ra Bắc, ít hơn ba tôi dăm tuổi, kêu ba tôi bằng anh và tôi kêu ông này bằng chú xưng cháu. Ông Hoài ngay sau giải phóng về quê thì nhà chả còn ai, có mỗi ông anh họ xa, còn lại thì đã mất sạch trong chiến tranh. Ông có tham gia làm việc cho xã, có lương hưu. Thế rồi chả biết từ lúc nào, ông chuyển sang gọi ba tôi là… cậu. Và tất nhiên tôi lên hàng anh của ông. Tức là ông với cô em tôi rổ rá cạp lại.
Hai vợ chồng một suất lương hưu với 2 đứa con, khổ quá, ngày mai xa vời quá, tương lai mờ mịt quá, theo chân ông anh, thế là cũng… Quảng Đức!
Đêm đầu tiên tôi đến Gia Nghĩa, đang dự chiêu đãi thì con của ông em, là người tôi tiễn lên tàu thuở nào ấy, lái ô tô đến tận nhà hàng đợi đón. Đêm sau thì lại mấy đứa cháu, con cô em, cũng mang hẳn mấy ô tô đến đón về nhà một đứa rồi tất cả tập trung ở đấy. Ngoài 2 đứa với người chồng trước, em tôi có thêm… 5 đứa với ông Hoài, tất cả đều đã lớn, nhà cửa đàng hoàng, phần lớn chúng cũng là chủ các cửa hàng, garage hoành tráng. Cả 7 đứa cháu này, giờ mỗi đứa mỗi phận, mỗi gia đình riêng, có đứa đã có cháu nội, cô em tôi đã lên hàng bà cố nhưng cuối mỗi ngày chúng vẫn thường tụ tập về nhà một đứa nào đó, rước mẹ đến, trước là mẹ vui, sau là các con, các cháu vui.
Với những người Việt có gốc gác ở phía Nam, số phận trớ trêu thế là thường. Nhiều nhà trên bàn thờ có ảnh của 2 màu áo lính. Và những bà mẹ, thắp hương cho con, họ có phân biệt áo nào với áo nào, tất cả đều là con của mẹ. Như tôi, ba tập kết nhưng các em con chú, cô, cậu tôi, họ ở lại. Nhà tưởng như 2 chiến tuyến nhưng khi gặp nhau, chỉ có yêu thương, sẻ chia, bù đắp…
Tất nhiên 2 người em tôi, chúng chỉ là những số phận bình thường trong đông đảo những người dân ở đây. Và ở đây, tôi cũng còn rất nhiều bà con khác nhưng lẩy ra 2 số phận cụ thể để nhìn từ chúng, tôi thấy sự đổi đời của một vùng đất, của những con người, khắp nơi tứ tán tụ về, làm thành một vùng quê mới, nhận vùng đất vốn xa lạ thành nơi mình gắn bó, trao thân gửi phận. Bây giờ, con đàn cháu đống ở đây, nhà cửa ở đây, chôn nhau cắt rốn ở đây, có cả người đã an nghỉ ở đây, thế chả quê hương thì là gì! Nhưng người Huế rất lạ. Đi đâu, làm gì, thành đạt cỡ mấy thì hằng năm cũng đều tìm cách về thăm quê, huống gì bây giờ thuận tiện, xe giường nằm về tận cổng nếu như khách không có hoặc không muốn lái xe riêng. Ngay tôi thì quê ở Huế nhưng giờ cũng đang sống ở Pleiku. Còn mẹ tôi, một phụ nữ người Ninh Bình thì đã nằm ở nghĩa trang gia đình ở làng Thế Chí Tây, xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cùng với ba tôi…
Những cuộc đời, những con người, những số phận như thế ở vùng đất mới này nhiều lắm. Trong câu chuyện với tôi, lũ cháu - đã trưởng thành hết, có đứa đã có dâu, rể - rất hay dùng từ “Đắk Nông mình”, “Gia Nghĩa mình”… mỗi khi nhắc đến nơi chúng đang sống…
Tức là một thế hệ mới đã thành người Đắk Nông. Và tôi lại có thêm một nơi chốn để đi về mỗi khi “giang hồ vặt” trên Tây Nguyên…
Pleiku, 18-6-2014
Vươn lên từ khốn khó
Cái đứa mà cả nhà chọn tụ tập lại đón tôi ấy, hồi lên 12 tuổi đã phải đi buôn bán. Người nhỏ mà cái xe đạp chất hàng cồng kềnh, lút cả người, ngày nào cũng oằn mông đẩy xe như thế. Chồng thì tự làm kem đi bán dạo. 1.000 đồng một que nhưng nếu ai mua… 500 đồng, cũng bán. Gặp nhau, lấy nhau, giờ nhà là cái garare to nhất thị xã Gia Nghĩa, ngoài garare còn kinh doanh ô tô và bỏ mối hàng thực phẩm...
Bình luận (0)