Trong phiên thảo luận những vấn đề kinh tế - xã hội ngày 30-10, các đại biểu Quốc hội bày tỏ lo lắng trước tình trạng người dân “tự xử” thay cơ quan thực thi pháp luật đã và đang xảy ra khắp nơi, mà nguyên nhân không nhỏ xuất phát từ sự thiếu niềm tin vào chính quyền sở tại.
Đã len vào nghị trường Quốc hội
Vài ngày trước phiên họp ngày 30-10 của Quốc hội, hàng ngàn người dân đã tập trung trước cổng UBND huyện Tư Nghĩa (tỉnh Quảng Ngãi) để phản đối việc nạo hút cát gây nên tình trạng sạt lở khiến tuyến Quốc lộ 1A bị ách tắc trong nhiều giờ. Đối thoại với dân trong chiều 27-10, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Võ Văn Thưởng đã thẳng thắn nhận lỗi: “Để người dân bức xúc trong thời gian qua, một phần lỗi thuộc về lãnh đạo tỉnh. Lãnh đạo tỉnh luôn lắng nghe và giải quyết những bức xúc của người dân và mong người dân kiềm chế bức xúc, không nên tụ tập đông người như thời gian qua gây mất trật tự, ảnh hưởng đời sống, sinh hoạt của nhiều người khác”.
Kêu ca, kiến nghị nhiều song không được chính quyền sở tại giải quyết thỏa đáng đã dẫn tới việc người dân một số địa phương ở Hải Phòng, Hải Dương, Thanh Hóa… dựng lều lán phong tỏa đường ra vào của các doanh nghiệp gây ô nhiễm.
Thực trạng dân “tự xử” ngày càng nhiều và trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội khiến các đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 31-10 phải thốt lên rằng đời sống văn hóa, xã hội của đất nước đang có quá nhiều bức xúc. “Đó là tâm trạng bất an và suy giảm niềm tin của người dân với một bộ phận cán bộ nhà nước mà đỉnh điểm là hiện tượng người dân “tự xử” - ông Huỳnh Ngọc Đáng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, nói.
Niềm tin vào pháp luật bị hạ thấp
Nhìn nhận sự việc hàng loạt “cẩu tặc” liên tiếp bị cộng đồng dân cư đánh chết, trọng thương xảy ra ở nhiều địa phương hay người dân tụ tập, tạo áp lực với chính quyền trong thời gian qua, PGS-TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Điều tra dư luận xã hội (Viện Xã hội học), khẳng định: Xã hội đang có nhiều bất ổn, bức xúc trong mỗi con người. “Những nỗi bực dọc hình thành và người dân luôn muốn “xả”, muốn trút nó vào đâu đó cho bõ tức. Tâm trạng ấy xuất phát từ những cơ cực trong cuộc sống mưu sinh, khó chịu khi tiếp xúc với các cấp chính quyền và không được họ giải quyết một cách thỏa đáng, khiếu kiện nhiều lần vẫn không ăn thua, thậm chí còn bị hà hiếp, đối xử thô bạo, bất công” - ông Bình nói.
Tâm trạng bực dọc ấy chỉ chờ gặp “đối tác” là bốc hỏa. Chỉ cần một ai đó có một cái sai nho nhỏ như đụng xe trên đường, ăn trộm một con chó... thì lập tức trở thành cái cớ để nảy sinh xung đột. “Giá trị của mỗi con chó không quá lớn nhưng sự việc “cẩu tặc” bị đánh chết khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung cho thấy một tâm trạng không yên trong người dân nông thôn. Chắc chắn họ đã phản ánh chuyện mất chó nhưng cấp chính quyền ở đó thờ ơ, vô cảm hoặc không xử lý được. Nỗi bực dọc trong người dân vì thế trút hết vào kẻ trộm chó. Họ hoàn toàn biết việc đánh người như thế là sai trái, đánh chết người có thể bị khép tội giết người nhưng họ vẫn làm. Điều này cho thấy xu hướng người dân đang mất niềm tin vào hệ thống pháp luật” - ông Bình phân tích.
Đừng hô hào suông! Để khắc phục câu chuyện dân “tự xử” không có cách nào khác là phải bắt đầu từ “cái tâm” giải quyết các bức xúc của người dân của cán bộ từng địa phương. Sâu xa hơn phải củng cố nhà nước pháp quyền theo đúng nghĩa đen của nó chứ không thể hình thức, hô hào suông. “Người dân luôn chăm chú nhìn vào hệ thống công quyền để ứng xử, hành xử. Họ nói tại sao chuyện ăn cắp lại đưa xử công khai cho người dân được biết nhiều thế trong khi những sai trái, tham ô cực lớn trong bộ máy công quyền thì lại xử kín, án tham nhũng sao lại bị hành chính hóa. Nếu hệ thống, bộ máy hành chính, pháp luật của chúng ta không được cải tiến thì khó mà dẹp được hệ quả dân “tự xử” - PGS-TS Trịnh Hòa Bình bày tỏ. |
Bình luận (0)